Xuân Quê hương 2019: Hội tụ con Lạc, cháu Hồng
Tối 26/1, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức Chương trình Xuân Quê hương 2019, đón chào gần 1000 đại biểu kiều bào trên khắp thế giới trở về quê hương đón Tết Kỷ Hợi 2019.
Tham dự chương trình có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai;Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn... Sau phát biểu khai mạc của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đọc lời chào mừng, chúc Tết kiều bào và đánh trống khai mạc chương trình Xuân Quê hương 2019. Đại Đoàn Kết trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ kiều bào trong chương trình Xuân Quê hương 2019. Ảnh: Quang Vinh.
Bày tỏ những cảm xúc vui mừng khi được trở về Đất Mẹ đón Tết nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, điều được nhiều kiều bào mong mỏi chính là làm sao cho đất nước phát triển, để những “Con Lạc, cháu Hồng” có thể xứng danh trên bản đồ thế giới. Và điều được nhiều người đề cập đến chính là cần có chính sách thông thoáng để thu hút nhiều kiều bào góp sức dựng xây đất nước.
Ấm lòng người xa xứ
Là người đã 10 năm chưa về nước ăn Tết, bà Nguyễn Thị Kim Yến, kiều bào Áo, tác giả của Đề án “Ngày Việt Nam Quốc tổ toàn cầu” xúc động khi Xuân Kỷ Hợi năm nay được trở về đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. “Khi xuống máy bay tôi đã cấu vào tay mình để cảm nhận rằng mình đã thực sự về nước hay chưa? Trên đường từ sân bay vào Hà Nội, nhìn thấy cảnh tấp nập chợ hoa đào ở ven đường Tây Hồ; thấy đào, mai tấp nập xuống phố lòng tôi dâng trào xúc động và cảm giác như mình đang sống trong niềm hạnh phúc khôn tả khi được về nước cùng với bà con kiều bào đón một cái tết có ý nghĩa trong năm nay”-bà Yến xúc động nói.
Đây là năm thứ 10 ăn Tết ở Việt Nam, ông Nguyễn Trí Hiếu, kiều bào Mỹ cho biết: Mỗi lần về quê ăn Tết là cơ hội để ông có thể thưởng thức lại những phong tục tập quán của người Việt rất có ý nghĩa. “Ở Mỹ, kiều bào cũng đón Tết. Vào đêm Giao thừa cũng có nhiều nhà thắp hương, chúc Tết, ăn bánh chưng nhưng trong một không khí nhỏ bé của mỗi gia đình. Nếu ngày Tết rơi đúng vào ngày làm việc thì phần lớn những kiều bào ở Mỹ không ăn Tết, không nghỉ mà vẫn đi làm việc bình thường. Ăn Tết ở Việt Nam vui hơn nhiều, đúng không khí Tết, nhất là ở Hà Nội trong tiết trời se lạnh như thế này, rồi đường phố chỗ nào cũng rộn ràng với đào, mai, hoa tươi mang lại không khí rộn ràng hơn” - Ông Hiếu xúc động chia sẻ.
Hãy thành danh ở nước sở tại rồi kết nối
Trong không khí vui tươi được về nước ăn Tết, điều kiều bào kỳ vọng và mong muốn nhất chính là sự phát triển của đất nước thực sự giàu mạnh, no ấm. Và làm sao có các cơ chế chính sách để các kiều bào có thể đầu tư về trong nước trong bối cảnh hội nhập.
Có một suy ngẫm được bà Yến đưa ra đó là trong năm 2013, bà đã đề nghị trong bài tham luận tại Hội nghị trí thức kết nối kiều bào rằng “hãy hướng về Việt Nam bằng cách bước ra thế giới”. Bởi theo bà Yến “hãy thành danh ở nước sở tại”, sau khi đã thành danh và có uy tín rồi thì họ sẽ kết nối những người khác như người bản xứ có tiềm lực kinh tế lớn, các tập đoàn kinh tế lớn về Việt Nam đầu tư. Theo bà, đó là cách kết nối và đầu tư theo “cấp số nhân”.
Theo bà Yến, đến nay các cơ chế chính sách của Nhà nước đã rất thông thoáng, rất đúng đường lối, tuy nhiên đó mới chỉ là phía trên, còn phía dưới là các cơ quan hành chính đã thực sự vào cuộc để tạo sự thông thoáng hay chưa thì cần tăng cường giám sát hơn nữa đối với những bộ phận thực thi công vụ.
Cùng chung một mong mỏi như bà Yến, ông Hiếu đưa ra phân tích: Nguồn lực đầu tiên là kiều hối. Trong năm 2018 số lượng kiều hối đổ về Việt Nam lên cao nhất trong 10 năm qua. Nguồn lực thứ hai là rất nhiều những chuyên gia của nước ngoài, đặc biệt là những chuyên gia về công nghệ thông tin, về lĩnh vực khoa học đã về Việt Nam và cống hiến. Thế nhưng sự cống hiến của kiều bào cho đất nước vẫn còn rất hạn chế, rất nhỏ bé.
Theo ông Hiếu, chúng ta có hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài nhưng các chuyên gia, các nhà kinh tế, các doanh nghiệp về Việt Nam làm việc hay đầu tư còn rất hạn chế. Ông Hiếu đề xuất: Chính phủ cần phải có chiến dịch tuyên truyền rộng rãi hơn về sự đổi mới của đất nước. Dẫn chứng từ thực tế mỗi năm khi hết thời gian được thường trú thì việc xin gia hạn vẫn rất nhiêu khê, ông Hiếu đề xuất, các thủ tục hành chính cần phải làm sao đơn giản hơn để thu hút mọi kiều bào ở nước ngoài về nước đầu tư, làm ăn đóng góp cho đất nước.
Đại biểu kiều bào tham dự Chương trình Xuân Quê hương 2019. Ảnh: Quang Vinh.
Kiều bào trẻ và trách nhiệm đối với đất nước
Chia sẻ về dự án Ngày Việt Nam Quốc tổ toàn cầu mà bà là người đưa ra sáng kiến, bà Yến cho biết dự án có 3 mục đích chính yếu: Bảo tồn và quảng bá di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài nhằm phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, nhằm kết nối và đối thoại giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa các nước trên thế giới. Đồng thời, quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế thông qua môi trường thực tế như tổ chức lễ hội cho bà con nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc báo chí truyền thông của nước sở tại hiểu biết thêm về hình ảnh của Việt Nam.
Bày tỏ vui mừng khi trong tháng 11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu nghiên cứu nâng cấp dự án của bà thành đề án khoa học cấp Nhà nước và do Văn phòng Chính phủ chủ trì, bày tỏ kỳ vọng về dự án này bà Yến mong muốn: Khi dự án này thành hiện thực sẽ truyền cảm hứng cho tất cả những người Việt, đặc biệt là các nhà khoa học, thế hệ kiều bào trẻ cần có trách nhiệm hơn đối với đất nước.
Là một kiều bào trẻ tuổi, một starup Việt mong muốn lập nghiệp tại quê hương, ông Kimble Ngo, kiều bào Canada có tên tiếng Việt là Duy đã sớm ấp ủ mong ước được sống ở Việt Nam và góp phần tạo nên những thay đổi lớn trong ứng dụng Blockchain- là một công nghệ mới giúp lưu trữ và truyền tải thông tin giữa các bên liên quan, có thể giúp tránh gian lận trong kinh doanh. Đây là một trong những xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Kimble Ngo chia sẻ muốn gắn bó lâu dài để giúp cho đất nước phát triển hơn nữa và có những bước tiến tốt đẹp hơn với thế giới. Điều ông mong muốn làm được là làm sao kết nối được Việt Nam với các nước trên thế giới thông qua cộng đồng người Việt ở nước ngoài; bởi người Việt trên thế giới có rất nhiều người giỏi. Nếu kết nối được sẽ có nhiều cơ hội giúp sức cho Việt Nam phát triển.
Những tình cảm, tình yêu của các thế hệ kiều bào trẻ chúng tôi thấy hiển hiện rất rõ trên gương mặt, khóe mắt, nụ cười của họ. Dù rằng, chúng tôi mới chỉ có điều kiện ghi lại một số cảm xúc trong những con người Việt Nam tiêu biểu ấy; nhưng gặp họ chúng tôi biết, cảm hứng mà họ truyền lại cho đồng bào mình ở xa Tổ quốc về niềm yêu với Quê Cha, Đất Tổ sẽ rất mãnh liệt.
Đúng 20h tối ngày 26/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân Quê hương 2019”. Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ vui mừng được đón chào gần 1000 đại biểu kiều bào trên khắp thế giới trở về quê hương, sum vầy, đón Tết Kỷ Hợi 2019 và tham dự chương trình Xuân Quê hương. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Năm 2018 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Nhấn mạnh để đạt được những thành công chung đó có sự đóng góp thiết thực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cả về trí tuệ, vật chất và tinh thần, Phó Thủ tướng cho rằng, những đóng góp của kiều bào là rất quý báu và đáng trân trọng và nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam ở trong nước luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc; là máu thịt, tiềm năng và nguồn lực lớn của dân tộc Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, hỗ trợ bà con củng cố địa vị pháp lý, gìn giữ bản sắc dân tộc, duy trì sự gắn kết với cộng đồng… trong đó chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức. Các hoạt động hướng về kiều bào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con. “Với những thành công trong năm Mậu Tuất 2018, chúng ta lạc quan tin tưởng rằng trong năm Kỷ Hợi 2019, đất nước sẽ đạt được nhiều thành tựu rực rỡ hơn nữa. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với lòng tự hào và tự tôn dân tộc sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển bền vững và tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước”-Phó Thủ tướng nhấn mạnh. |