Gần Tết ùn tắc giao thông tăng cao
Những ngày qua, dịp cuối năm, người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh luôn vô cùng vất vả vì giao thông, nhất là di chuyển qua các khu vực trung tâm, khu vực sân bay, bến xe bến tàu. Tình trạng ùn tắc kẹt xe dịp gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi này có chiều hướng phức tạp hơn khi lượng ô tô cá nhân có dấu hiệu gia tăng đột biến.
Đường Nguyễn Thái Sơn và cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng ùn tắc .
Ngột ngạt các tuyến đường
Khoảng một tuần trở lại đây, áp lực giao thông khắp nơi ở TP HCM tăng đột biến, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, nhất là các tuyến đường dẫn vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình). Anh Nguyễn Văn Tùng - một người thường xuyên di chuyển trên tuyến đường Trường Sơn cho biết, do phân luồng giao thông ở khu vực này một chiều nên các phương tiện ra vào sân bay cũng như người dân trong khu vực phải di chuyển nhiều hơn.
“Nhà tôi ở bên Gò Vấp nhưng công ty nằm bên khu K300 (Tân Bình) nên mỗi sáng đi làm cũng như chiều tan sở đều rất vất vả vì kẹt xe. Quãng đường chỉ khoảng 5 – 6 km nhưng nhiều hôm phải mất tới 2 giờ đồng hồ để di chuyển. Đặc biệt, mật độ ô tô lưu thông ở khu vực đường Cộng Hòa, Hồng Hà, Trường Sơn…dường như đông hơn rất nhiều. Đó là lý do khu vực này thường xuyên bị ùn tắc, nhất là đoạn quanh công viên Hoàng Văn Thụ hay vòng xoay Lăng Cha Cả” – anh Tùng cho biết.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ khu vực giao thông dẫn vào sân bay mà ngay cả khu vực trong sân bay cũng luôn trong tình trạng quá tải, đông nghẹt. Dự tính, dịp Tết này mỗi ngày có khoảng 15.000 người di chuyển qua khu vực sân bay. Tuy nhiên, số người đến sân bay còn nhiều hơn vì thói quen tiễn, đón của người dân. Ngoài ra, do các thủ tục kiểm tra an ninh, kiểm tra vé hay hành lý của khu vực sân bay phức tạp, mất nhiều thời gian cùng với việc các chuyến bay có thể bị hoãn khiến cho hành khách phải mất nhiều thời gian ở sân bay hơn.
Trong khi đó, nhiều người dân lưu thông qua các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, quốc lộ 13... khoảng một tuần qua cũng phản ánh, mật độ phương tiện quá tải bất thường và thường xuyên xảy ra ùn tắc, kẹt xe cục bộ. Tại khu vực này ngoài người dân tới bến xe Miền Đông – bến xe lớn nhất ở TP HCM – về quê đón tết thì lượng người di chuyển cuối năm cũng khiến khu vực hay xảy ra ùn tắc.
Ngoài một số điểm đen thường xuyên ùn tắc dịp Tết như sân bay, bến xe, bến tàu, nhiều ngày qua, người dân qua khu vực quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn quận Bình Tân cũng luôn phải đối diện với tình trạng này. Nguyên nhân chủ yếu, ngoài đây là tuyến đường huyết mạch thì do trạm thu phí BOT dự án cải tạo đường quốc lộ 1A đoạn An Sương-An Lạc đang bị nhiều tài xế phản đối. Mặc dù lãnh đạo ngành giao thông TP HCM cũng như chủ đầu tư dự án – công ty IDICO – cho rằng dự án BOT này là hợp lệ, nhưng tình trạng tài xế phản đối vẫn diễn ra, kéo dài. Do mật độ phương tiện gia tăng bất thường nên chỉ cần vài ba xe tải dừng tại khu vực bán vé khoảng 5 phút là xảy ra ùn tắc lớn.
Ùn tắc, tai nạn
Đặc biệt, dịp gần Tết phương tiện lưu thông đông đúc hơn khiến cho tình trạng ùn tắc ở đây cũng phức tạp hơn nữa.
Cũng trong ngày 27/1, một vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại khu vực ga Sông Lòng Sông (tỉnh Bình Thuận) nhưng đã ảnh hưởng rất nhiều đến giao thông của người dân ở TP HCM. Cụ thể, đoàn tàu SE1 đi từ Hà Nội và ga Sài Gòn bất ngờ bị trật đường ray tại khu vực trên. Dù không có ai bị thương nhưng hậu quả của vụ việc là tuyến đường sắt Bắc Nam bị tê liệt trong nhiều giờ.
Ông Đỗ Quang Văn – Giám đốc công ty vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, nhiều chuyến tàu khởi hành trong ngày 27/1 sẽ bị ảnh hưởng, lùi thời gian khởi hành. Cụ thể, TN2 (kế hoạch chạy 13h), TN6 (chạy 15h18) dự kiến lùi lịch xuất phát sau 18h, tàu SQN4 (kế hoạch chạy 19h) dự kiến xuất phát tại ga Sài Gòn sau 22h. Các đoàn tàu khách khác như SE4, SE2, SE20, SE14, SE18, TN10 có kế hoạch chạy trong chiều tối nay dự kiến sẽ xuất phát chậm giờ. Ngoài ra, nhiều đoàn tàu chạy theo chiều từ Hà Nội vào ga Sài Gòn cũng sẽ bị ùn tắc tại ga bị tai nạn. Một số hành khách cho biết được vận chuyển bằng đường bộ tới ga kế tiếp trong thời gian chờ khắc phục sự cố.
Do hệ thống đường sắt phần lớn là độc đạo ngoài khu vực ga tránh nên việc nhiều chuyến tàu khởi hành chậm sẽ kéo theo hệ lụy dây truyền là nhiều chuyến tàu đi/đến khác bị ảnh hưởng theo. Tới chiều tối cùng ngày, hệ thống đường sắt đã được lưu thông trở lại.
Thời gian này nằm trong thời gian cao điểm phục vụ nhu cầu di chuyển dịp Tết của ngành đường sắt với mỗi ngày có khoảng 17-22 đoàn tàu xuất phát từ ga Sài Gòn đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc với năng lực vận tải là 15.000-17.000 hành khách. Vì thế, vụ việc tai nạn ở Bình Thuận ảnh hưởng đến kế hoạch di chuyển của hàng chục ngàn người, nhất là những hành khách di chuyển ngày 27/1.