Nhiều địa phương có quy định về quay phim, ghi hình
Đây là thông tin được ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp sáng ngày 28/1.
Làm theo luật
Xung quanh quy định ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân do UBND TP Hà Nội ban hành mới đây, ông Đồng Ngọc Ba khẳng định: Việc Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp ban hành nội quy tiếp công dân là thực hiện thẩm quyền và trách nhiệm do Luật Tiếp công dân 2013 quy định.
“Sau khi dư luận ồn ào, Cục đã rà soát tổng thể quy định này trên cả nước. Đến nay, đã có 62/63 địa phương ban hành nội quy tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân. Tuy nhiên, việc quy định không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân thì chỉ có gần 30 địa phương ban hành” – ông Đồng Ngọc Ba nói.
Cũng theo ông Ba, việc các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành nội quy tại trụ sở tiếp công dân thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm do Luật Tiếp công dân 2013 (thi hành từ 2014). Ví dụ: Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tại Khoản 6, Điều 12. Đối với các cơ quan khác, Luật Tiếp công dân cũng quy định rõ. Do đó việc Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng như các tỉnh ban hành nội quy như vậy là thực hiện theo luật được giao.
Nói về trách nhiệm, thẩm quyền xem xét văn bản đó đúng hay sai, ông Ba cho rằng, nội quy không quy định cấm, nhưng yêu cầu khi quay phim, chụp ảnh, ghi âm phải được sự cho phép của người tiếp công dân. Hơn nữa đối chiếu với Luật Ban hành VBQPPL cho thấy, những nội dung trong các nội quy không thuộc loại quy phạm pháp luật được quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Luật Ban hành VBQPPL, đây là nội quy được ban hành kèm theo các quyết định hành chính. Với tính chất như vậy, trách nhiệm xem xét tính pháp lý, tính phù hợp, xử lý như thế nào do chính cơ quan ban hành quyết định hành chính, nội quy đó.Trong đó trách nhiệm quan trọng là Thanh tra Chính phủ, cơ quan được Chính phủ giao tham mưu về lĩnh vực tiếp công dân.
Kiến nghị sửa đổi siết “tín dụng đen”
Liên quan đến việc rà soát, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật nhằm hạn chế hoạt động “tín dụng đen”, ông Đỗ Đức Hiển - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết: Bộ Tư pháp đã tiến hành nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật về lĩnh vực này theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Bước đầu, Bộ Tư pháp nhận thấy, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã có nhiều quy định làm cơ sở cho việc hạn chế hoạt động của “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng nhận thấy, quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản tại Điểm d, Khoản 3, Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP không còn phù hợp với quy định về lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Mức lãi suất vi phạm theo quy định của nghị định này là vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay, trong khi mức lãi suất quy định của Bộ luật Dân sự là 20%/năm/khoản tiền vay.
“Quy định về lãi suất vi phạm theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng không còn phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015; chưa điều chỉnh được hết các hành vi vi phạm trong giao dịch cho vay…” – ông Hiển cho biết.
Trước thực trạng trên, ông Hiển cho hay trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để khắc phục những bất cập nêu trên.