Đề án Văn hóa công vụ: Khắc phục những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ công
Bộ Nội vụ đã bắt đầu triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Theo Bộ Nội vụ việc thực hiện Đề án này sẽ là công cụ đắc lực khắc phục hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ công.
Không thoái thác nhiệm vụ
Nói về Đề án, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, giúp cho hoạt động được thông suốt, phân công, phân nhiệm rõ ràng, trụ sở, cảnh quan môi trường làm việc văn minh, hiện đại.
Cho biết lý do vì sao phải có một đề án mang tên gọi Đề án về Văn hóa công vụ, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước Nguyễn Huyền Hạnh cho biết, Đề án này xuất phát từ thực trạng một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện nghiêm các chuẩn mực về đạo đức, lối sống, văn hóa công sở.
Vì vậy, Bộ Nội vụ đã xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, với mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.
Bà Hạnh cho biết có 4 nội dung của văn hóa công vụ: Tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; Chuẩn mực về đạo đức, lối sống; Trang phục. Đề án cũng quy định: Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng
Đề thực hiện Đề án này giải pháp đầu tiên là hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa công vụ góp phần tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả của nền công vụ...
Có chế tài xử lý vi phạm
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: Đề án “Văn hóa công vụ” giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương trong đó Bộ Nội vụ có trách nhiệm đề xuất sửa đổi các quy định trong Luật, xây dựng tài liệu bồi dưỡng và tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra việc thực hiện các quy định về văn hóa công vụ… để triển khai chung cho cả nước, đồng thời triển khai thực hiện trong chính Bộ Nội vụ.
Trong đó, “điểm yếu nhất trong quá trình thực hiện văn hóa công vụ ngay trong chính các cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ngành Nội vụ thời gian qua là gì cần được làm rõ; các phòng, đơn vị trực thuộc Bộ cần rà soát lại để đề xuất những công việc trọng tâm mà Bộ cần triển khai trong thời gian tới - tức là đi từ những điểm yếu nhất để có kế hoạch khắc phục cụ thể. Đề án Văn hóa công vụ có thể nói là công cụ tốt để góp phần khắc phục những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ công vụ thời gian qua, chẳng hạn về thực hiện kỷ cương hành chính, quy định cấm uống rượu trong giờ làm việc, thực hiện hút thuốc đúng nơi quy định…” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ.
Bên cạnh đó, đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án, Bộ trưởng đề nghị có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng để không bỏ sót kết quả đạt được cũng như phát hiện những vi phạm (nếu có). Đồng thời, cần xem đây là một nội dung trong chương trình đào tạo bồi dưỡng CCVC, có giáo trình rõ ràng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để triển khai Đề án thì ngay trong chính các bộ, mà trước hết Bộ Nội vụ cần quy định rõ, cụ thể chế tài để xử lý những vi phạm của CBCCVC trong thực hiện văn hóa công vụ. Ngay trong nội bộ Bộ Nội vụ, cần cụ thể hóa những nội dung thuộc Đề án Văn hóa công vụ vào việc thực hiện nhiệm vụ của bản thân các CBCCVC của Bộ, như khắc phục tình trạng tránh việc khó, chọn việc dễ, chú trọng sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, chấp hành thứ bậc hành chính, kỷ luật phát ngôn và sử dụng mạng xã hội…