Nói lời sau cùng, Vũ 'nhôm' cho rằng bản thân không làm gì sai
Sáng 30/1, phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xây dựng Bắc Nam 79, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Nova Bắc Nam 79; cựu Thượng tá, Phó Trưởng phòng Tổng cục V, Bộ Công an) và các đồng phạm được tiếp tục với phần tranh luận.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đối đáp lại với quan điểm gỡ tội của các luật sư, các bị cáo. Các công tố viên đã đưa ra nhiều luận cứ chắc chắn để bảo vệ cho quan điểm luận tội của mình.
Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa đã viện dẫn việc thành lập công ty, việc ra các văn bản trái pháp luật hỗ trợ cho Phan Văn Anh Vũ hưởng ưu đãi khi thực hiện các dự án là dẫn chứng khẳng định mục đích vụ lợi của bị cáo Vũ.
Việc tư lợi này của Phan Văn Anh Vũ thể hiện rõ nhất ở dự án nhà đất 319 Lê Duẩn (phường Tân Chính, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) và khu đất 3.264m2 ở Công viên An Đồn cũ (Đà Nẵng).
Sau thời điểm có văn bản đề nghị hỗ trợ cho mua nhà đất để phục vụ hoạt động nghiệp vụ, nhưng khi Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 thì bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã xin đổi giấy chứng nhận sang tên cá nhân mình và đã được cấp.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, việc chuyển nhượng nhà đất như thế này là bất hợp pháp.
Về vấn đề đồng phạm, công tố viên khẳng định bản thân bị cáo Phan Văn Anh Vũ là người trực tiếp nắm tình hình xem chỗ nào có dự án nhà đất công sản có thể mua được. Sau đó, bị cáo Phan Văn Anh Vũ báo cáo Nguyễn Hữu Bách (cựu Đại tá, Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V, Bộ Công an), Phan Hữu Tuấn (cựu Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) để hai bị cáo này soạn thảo văn bản, ký nháy, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an ký văn bản gửi các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ cho công ty của Phan Văn Anh Vũ được thuê, mua, nhận chuyển nhượng các dự án.
Công tố viên phân tích, thông thường đối với các hoạt động như thế này, bị cáo Tuấn, Bách chỉ có một văn bản đề nghị hỗ trợ nghiệp vụ, nhưng có những dự án có 6-7 văn bản đề nghị tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện dự án. Đây chính là động cơ nhằm mục đích vụ lợi và đồng phạm của các bị cáo.
Thêm vào đó, Viện Kiểm sát cho rằng đối với mọi hoạt động của Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, bị cáo Phan Hữu Tuấn buộc phải biết do bị cáo Tuấn là cổ đông của công ty này.
Thực tế, các dự án không có hoạt động nghiệp vụ nhưng mỗi khi Vũ yêu cầu thì hai bị cáo Bách và Tuấn đều sốt sắng soạn thảo, ký nháy vào các văn bản trái pháp luật để đề nghị hỗ trợ Vũ. Đây là việc hỗ trợ bất chấp pháp luật, miễn là hỗ trợ cho Vũ và các công ty bình phong được hưởng các ưu đãi. Do vậy, Viện Kiểm sát khẳng định hành vi của các bị cáo là cố ý và đồng phạm thực hiện.
Phân tích sâu về động cơ vụ lợi, kiểm sát viên Đào Thịnh Cường (Phó Viện trưởng Viện Kiêm sát Nhân dân thành phố Hà Nội) nhấn mạnh: “Việc các bị cáo ký văn bản tác động tới chính quyền địa phương để doanh nghiệp hưởng vị trí đất vàng dù với mục đích gì cũng không phù hợp quy định. Doanh nghiệp hoạt động theo quy định pháp luật, tạo cơ hội cho doanh nghiệp này sẽ làm mất cơ hội cho doanh nghiệp khác, không đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các doanh nghiệp”.
Sau khi công tố viên đối đáp, các luật sư bào chữa tiếp tục bảo lưu quan điểm gỡ tội trước đó cho các bị cáo.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Phan Hữu Tuấn) cho rằng bị cáo Tuấn không phải là đồng phạm bởi không đồng thuận với ý chí phạm tội của Vũ.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Việt Tân (cựu Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an), cho rằng cần xem xét lại tội danh của bị cáo, các văn bản mà bị cáo Tân ký gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không thể hiện nội dung rõ ràng đề nghị cho công ty của Phan Văn Anh Vũ được hưởng ưu đãi mà chỉ mang tính chất thúc đẩy dự án.
Ngoài ra, các luật sư cho rằng việc định giá tài sản trong vụ án cần phải được thực hiện theo nguyên tắc tài chính, không thể tính giá trị một con số vào cùng hai thời điểm khác nhau. Hơn nữa, cũng cần phải tính đến việc truy thu tài sản có đền bù hay truy thu không đền bù. Tại phiên tòa, Phan Văn Anh Vũ đã đề nghị trả lại cho Nhà nước hai trong số bảy tài sản, như vậy hai tài sản trả lại này có được tính vào trong vụ án hay không.
Trước khi Hội đồng xét xử chuyển sang phần nghị án, các bị cáo đã nói lời sau cùng tại tòa. Trong lời nói sau cùng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ không đồng tình với các định giá của Viện Kiểm sát và vẫn cho rằng bản thân không làm gì sai, không bao giờ làm trái nhiệm vụ của cấp trên giao cho.
Bị cáo cho rằng hai công ty và các dự án là của công ty và bị cáo có quyền định đoạt, mua bán. Bị cáo Phan Văn Anh Vũ chỉ thể hiện sự ân hận khi làm liên lụy đến các vị lãnh đạo của Bộ Công an vì phải ra trước tòa.
Xin được hưởng chính sách khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt, hai bị cáo Nguyễn Hữu Bách và Phan Hữu Tuấn đều thể hiện rõ sự đau xót, mong muốn Hội đồng xét xử xem xét khách quan, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Bị cáo Bùi Văn Thành (cựu Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an) và Trần Việt Tân cảm ơn Hội đồng xét xử trong quá trình làm việc đã hết sức công minh, đúng mực, điều đó đã giúp bị cáo nhận thấy những thiếu sót, sai phạm.
Hai bị cáo đều thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu trong những sai phạm của cấp dưới và mong muốn Hội đồng xét xử khi nghị án sẽ xem xét các yếu tố khách quan, nguyên nhân, bối cảnh xảy ra tội phạm... để cân nhắc mức án có tình có lý.
15h ngày 30/1, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.