Khánh thành Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Theo VGP 30/01/2019 20:00

Sáng 30/1, tại TP Hải Phòng, dự khánh thành Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, oanh liệt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước nồng nàn, kiên trung, bất khuất của người cộng sản.

Khánh thành Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Thủ tướng cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Ảnh: VGP.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những vị cách mạng tiền bối, tiêu biểu, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã tích cực góp phần thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, là người sáng lập Công hội Đỏ (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), nhà lãnh đạo xuất sắc của giai cấp công nhân, Chủ tịch đầu tiên của tổ chức Công đoàn Việt Nam và là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ TP. Hải Phòng anh hùng.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước, được giác ngộ cách mạng rất sớm, năm 17 tuổi, đồng chí lên Hà Nội làm công nhân Nhà in Mạc Đình Tư. Được trực tiếp trải nghiệm, chứng kiến thực tế từ cuộc đời làm thợ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với anh em công nhân, đồng chí đã đồng cảm với nỗi thống khổ của họ, đồng thời cũng sớm nhận ra sức mạnh to lớn của đội ngũ công nhân lao động trong đoàn kết đấu tranh chống áp bức, bóc lột, tiến tới giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Đồng chí nhận thấy, muốn tuyên truyền, giác ngộ lý luận cho công nhân và các tầng lớp cần lao, vận động họ tham gia và đi theo cách mạng, cán bộ tuyên truyền phải sâu sát phong trào, lắng nghe nguyện vọng, yêu cầu của quần chúng. Tại Hội nghị Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc kỳ (tháng 9/1928), đồng chí đề xuất chủ trương và trực tiếp tham gia và cử nhiều cán bộ, hội viên Thanh niên đi “vô sản hóa” nhằm truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác – Lê nin, rèn luyện lập trường, tư tưởng cho công nhân, lao động. Nhờ vậy, phong trào công nhân theo khuynh hướng mác-xít thời kỳ này phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi cần có chính đảng cộng sản lãnh đạo.

Khi trở về Hải Phòng với vai trò Bí thư Đảng bộ Hải Phòng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí thông qua chủ trương “vô sản hóa” đã có những đóng góp to lớn trong việc lãnh đạo xây dựng và phát triển tổ chức, chuẩn bị cả về tư tưởng và lực lượng thành lập Đảng bộ TP. Hải Phòng (tháng 4/1930) một trong những Đảng bộ được thành lập sớm nhất cả nước.

Khánh thành Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - 1

Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh không chỉ là một trong những vị tiền bối tham gia thành lập Đảng mà còn là người sáng lập Tổng Công hội Đỏ và trở thành lãnh tụ của giai cấp công nhân Việt Nam. Ngày 28/7/1929, dưới sự chủ trì của đồng chí, Đại hội đại biểu công nhân ở các tỉnh Bắc Kỳ quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng lâm thời, quyết định xuất bản và trực tiếp phụ trách Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan tuyên truyền của Công hội. Sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành và thống nhất của giai cấp công nhân đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức Công hội, tổ chức các cuộc đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, đuổi việc vô cớ.

Đến tháng 4/1931, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp bắt khi đang hoạt động tại Nghệ An. Thất bại trước sự trung kiên, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản, sáng 31/7/1932, Thực dân Pháp đã đưa đồng chí lên máy chém tại đề lao Hải Phòng, mảnh đất gắn bó suốt quá trình công tác của đồng chí.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng nêu rõ, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần học tập, rèn luyện không mệt mỏi, trọn đời hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tấm gương bất tử của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đức Cảnh mãi trường tồn cùng dân tộc như những vần thơ đồng chí viết trong những ngày lao tù: “Hồn còn mang nặng lời thề. Nát thân chưa dễ đền nghì trời mây”.

Dự Lễ khánh thành nhà tưởng niệm hôm nay, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền quân và dân TP. Hải Phòng cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và công nhân lao động cả nước đóng góp kinh phí xây dựng công trình quy mô và tầm vóc để tưởng nhớ, tri ân người cộng sản trung kiên, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ thành phố.

Để phát huy các giá trị công trình nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ muôn đời sau về những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với Đảng, đất nước, nhân dân, nhất là giai cấp công nhân, Thủ tướng đề nghị TP. Hải Phòng tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị ý nghĩa của công trình để trở thành địa chỉ đỏ của thành phố nói riêng, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam nói chung trong việc giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng sâu sắc về tấm gương sáng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh; đồng thời trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng, là một trong điểm du lịch tâm linh, có sức thu hút đối với công nhân, lao động cả nước.

Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Đức Cảnh gần như gắn bó trọn vẹn với mảnh đất Hải Phòng. Do đó, thành phố cần quan tâm, tổ chức sưu tầm các tư liệu, hiện vật về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, góp phần làm sinh động thêm cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

Tự hào và nêu cao tấm gương về sự trung kiên, bất khuất, về lý tưởng cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ công nhân lao động TP. Hải Phòng nói riêng cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân cần có tư duy mới, cách làm mới thực sự hiệu quả, thiết thực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Theo VGP