Sổ sách và áp lực đối với giáo viên
“Từ khóa” mà Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ chọn cho năm 2019 đó là giảm áp lực cho giáo viên. Một trong những hành động đầu tiên của Bộ trưởng là chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách tại các nhà trường.
Bên cạnh niềm vui từ các nhà giáo, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của chỉ thị khi áp lực sổ sách hầu như không đến từ Bộ mà do từng địa phương, từng nhà trường yêu cầu…
Ngoài dạy học, giáo viên đang phải gánh thêm nhiều áp lực khác.
Gánh nặng có thật
Nếu làm một phép thống kê về các loại hồ sơ sổ sách hiện nay các thầy cô giáo đang phải thực hiện, nhiều người sẽ không khỏi giật mình. Ngoài những cuốn sổ truyền thống như giáo án, sổ điểm, sổ kế hoạch giảng dạy, sổ đầu bài, sổ dự giờ (1 năm đủ 18 tiết), sổ chủ nhiệm thì nhiều nơi còn phát sinh các loại sổ như sổ hội họp, sổ mượn đồ dùng dạy học, sổ học bồi dưỡng thường xuyên…
Đối với giáo viên mầm non, Điều lệ trường quy định các loại sổ kế hoạch giáo dục trẻ em; sổ theo dõi trẻ như điểm danh, theo dõi sức khỏe, theo dõi đánh giá trẻ; sổ chuyên môn như dự giờ, tham quan học tập, ghi chép các nội dung sinh hoạt chuyên môn; sổ theo dõi đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo… Trên thực tế, còn có thêm các loại sổ đón trả trẻ, sổ theo dõi bán trú, sổ theo dõi uống thuốc hàng ngày... Như vậy, cuốn sổ này thừa, chỉ mang tính chất đối phó với Ban Giám hiệu.
Trước đó, Bộ GDĐT cũng có Công văn số 68 về việc chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Công văn quy định rõ giáo viên chỉ phải làm bốn loại sổ sách như: Giáo án (có thể kết hợp soạn nhiều môn trong một cuốn); Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên Tiểu học); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
Vì sao, khi xuống đến từng địa phương, từng trường lại phát sinh thành nhiều hồ sơ, sổ sách như vậy?
Tâm tư này của phần đông giáo viên đã được cô giáo Vũ Thị Anh - giáo viên Trường Mầm non Vô Tranh 1 (Vô Tranh, Lục Nam, Bắc Giang) đề cập với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chuyến thăm, tặng quà, chúc Tết các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Bắc Giang ngày 16/1. Bộ trưởng khẳng định, đây là việc trong thẩm quyền và sẽ làm ngay trong thời gian tới để tạo động lực, giảm áp lực cho giáo viên.
Áp dụng công nghệ thông tin: Đã đủ?
Nhiều ý kiến đề xuất, để giảm bớt áp lực sổ sách thì việc áp dụng công nghệ thông tin là không thể thiếu. Trong đó, nhiều hồ sơ, tài liệu thay vì việc chép tay có thể dùng các phần mềm trên mạng để quản lý, theo dõi hàng ngày.
Tuy nhiên, có một bất cập là nếu như sử dụng các phần mềm theo dõi riêng biệt chỉ đơn vị đó, trường đó có thì khi các cấp quản lý thanh kiểm tra sẽ khó theo dõi được hết. Hoặc phần mềm đánh giá học sinh nếu mỗi đơn vị dùng một kiểu, đến khi học sinh chuyển trường thì giáo viên lại phải chép tay lại toàn bộ vì không phải đơn vị mới nào cũng chấp nhận giấy tờ được in ra từ phần mềm đó mà cần hồ sơ viết tay của giáo viên…
Về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, chỉ thị giảm áp lực sổ sách cho giáo viên của Bộ đã “bắt” đúng tâm tư nguyện vọng của gần 1,2 triệu giáo viên hiện nay. Muốn thực hiện triệt để thì phải bắt đầu từ Ban Giám hiệu nhà trường. Bởi quy định hiện nay, mỗi trường mỗi khác. Mặc dù nói rằng thay thế sổ sách viết tay bằng giáo án điện tử, sổ liên lạc điện tử… nhưng nếu ban giám hiệu không thông thạo các ứng dụng công nghệ thông tin thì giáo viên khó lòng áp dụng được. Thậm chí, sẽ tăng thêm gánh nặng cho giáo viên khi “một cổ hai tròng”, vừa phải chép tay để đối phó với các đoàn thanh tra, vừa cập nhật điện tử hoàn thành theo yêu cầu đặt ra của nhà trường.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn- Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT, Chỉ thị của Bộ GDĐT yêu cầu từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử một cách đồng bộ và theo lộ trình phù hợp với địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên. Từng bước tin học hóa quản trị nhà trường. Việc này cũng nhằm nâng cao năng lực cho giáo viên cán bộ quản lý về ứng dụng công nghệ thông tin để giảm dần công việc “tay chân”, dành thời gian đổi mới, sáng tạo trong dạy học và quản trị nhà trường...