Giảm chênh lệch về giới: Cần những giải pháp đồng bộ

Nguyễn Đào 31/01/2019 09:20

Để giảm chênh lệch về giới, theo nhiều chuyên gia, cần tiếp tục khẳng định nguyên tắc bình đẳng giới và nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới, đảm bảo phù hợp với nguyên tắc hiến định tại Hiến pháp 2013.

Đồng thời, tiếp tục khẳng định chính sách và các biện pháp của Nhà nước nhằm bảo vệ lao động nữ, bảo vệ bà mẹ theo hướng chuyển từ cách tiếp cận bảo vệ sang cách tiếp cận bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.

Giảm chênh lệch về giới: Cần những giải pháp đồng bộ

Cần quy định rõ các loại công việc phi truyền thống mà phụ nữ có xu hướng tham gia nhiều.

Bộ luật Lao động năm 1994 đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và sửa đổi toàn diện vào năm 2012. Đây là bộ luật có vị trí quan trọng đã tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể thiết lập quan hệ lao động, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động, tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hòa, ổn định, từ đó phát huy được tài năng và sức sáng tạo của NLĐ... Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, Bộ luật Lao động cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là chưa đáp ứng được những yêu cầu mới liên quan đến việc vận hành quan hệ lao động và phát triển các tiêu chuẩn lao động mới.

Đứng trước thực trạng trên, hiện nay dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ LĐTBXH xây dựng hướng đến nội dung bình đẳng giới, như: Việc làm, tuyển dụng, hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, những quy định riêng đối với lao động nữ, lao động giúp việc gia đình, lao động là người khuyết tật…

Theo bà Wendy Cunningham- Chuyên gia Kinh tế trưởng (WB) cho rằng, phụ nữ có tỉ lệ tham gia lực lượng lao động rất cao so với mức chuẩn toàn cầu, nhưng tỉ lệ phụ nữ làm công việc có thù lao thấp hơn nam, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động không có thù lao. Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần quy định rõ các loại công việc phi truyền thống mà phụ nữ có xu hướng tham gia nhiều. Cụ thể, Việt Nam hiện có 209.980 lao động giúp việc và dọn nhà (lau chùi, dọn dẹp, tẩy rửa, giặt giũ, chợ búa, nấu nướng và làm các công việc nhà khác); tỉ lệ NLĐ làm dưới 30 giờ/tuần chiếm phần lớn là nữ (47% lao động toàn thời gian là phụ nữ, 58% lao động bán thời gian là phụ nữ); phụ nữ chiếm 62% lao động theo sản phẩm làm tại nhà.

Cũng theo bà Wendy, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định đối với lao động nữ, đảm bảo thúc đẩy bình đẳng giới cần chú trọng các nội dung, như: Các quy định chưa phù hợp tiêu chuẩn lao động quốc tế (như quy định cách biệt 5 năm trong tuổi nghỉ hưu của nam và nữ; những quy định cấm sử dụng lao động nữ trong một số công việc làm hạn chế quyền lựa chọn việc làm; cơ hội có việc làm và thu nhập đối với lao động nữ... Theo đó, cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, toàn diện để sửa đổi, bổ sung, nhằm đảm bảo tính thống nhất của pháp luật lao động với các luật liên quan và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Mặt khác, cần cụ thể hoá một số chính sách, giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới như chính sách ưu đãi người sử dụng lao động nữ, nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc…

Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần chú ý 5 vấn đề: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hoá dân số và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội đất nước; NLĐ được bình đẳng về quyền nghỉ hưởng trợ cấp BHXH khi thực hiện biện pháp tránh thai, khám thai, sinh con, nuôi con dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi, ốm đau phù hợp với pháp luật BHXH; NLĐ có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có rủi ro ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ trên cơ sở được thông tin đầy đủ về các công việc đó và điều kiện bảo hộ lao động; xây dựng cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người SDLĐ trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con của NLĐ; phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, lành mạnh.

Nguyễn Đào