Tướng Dũng Hà với nhọc nhằn 'Sông cạn'
Thiếu tướng, nhà văn Dũng Hà (tên khai sinh Phạm Điệng) sinh ngày 15/8/1929 tại xã Hùng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình trong gia đình có truyền thống cách mạng, kháng chiến.
17 tuổi ông đã có mặt trong quân ngũ, trong kháng chiến chống Pháp, ở cương vị chiến sĩ rồi cán bộ phân đội, ông chiến đấu tại chiến trường Đông - Bắc (Đệ tứ chiến khu), sau đó tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ với cương vị Chính trị viên tiểu đoàn 251 (trung đoàn 174, sư đoàn 316) đánh trận đồi A1 đêm mùng 6-5-1954 nổi tiếng trong lịch sử. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông vẫn hăng hái xung phong có mặt ở những quân binh chủng, những đơn vị trực tiếp chiến đấu của quân đội… Trên cương vị Chủ nhiệm chính trị
Binh chủng Đặc công, ông đã trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh của bộ đội đặc công được ghi vào lịch sử...
Để nhớ về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Đông Bắc đầy gian khổ hy sinh năm nào, ông có các cuốn tiểu thuyết Quãng đời xưa in bóng, Đường dài… Về 56 ngày đêm, về trận “huyết chiến” nơi đồi A1 Điện Biên, ông có các tác phẩm Mảnh đất yêu thương, Gió bấc, Cây số 42… Về chiến công thầm lặng mà anh hùng của những chiến sĩ đặc công, ông có Sao Mai – một cuốn tiểu thuyết làm xôn xao dư luận một thời (cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện) đã được dịch ra tiếng Nga, in và phát hành với số lượng cả chục vạn bản; và sau cùng là “cuốn tiểu thuyết cuộc đời” có tên Sông cạn!
Tiểu thuyết Sông cạn được hoài thai trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Trước khi mất ít ngày ông có đưa cho tôi mấy chục trang hồi ký có tên Dòng chảy nhọc nhằn của… Sông cạn gồm gần một chục trang khổ A4 với những câu mở đầu: “Từ năm 1990, tôi đã có ý định viết một cuốn sách về vấn đề này – vấn đề mà tôi đã nghĩ từ năm 1985. Sau khi đã xác định chủ đề tư tưởng, tôi bắt tay vào việc, chính thức gặp một số nguyên mẫu chủ chốt sẽ là xương sống của truyện và dựng đề cương khá chi tiết. Nhưng mãi đến tháng 5 năm 1996 (lúc này tác giả đã thôi chức vụ Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nghỉ chờ hưu - NVB) tôi mới bắt tay vào viết Sông cạn bằng chiếc máy chữ nhỏ hiệu Olympia do anh Doãn Trung mua giúp hồi năm 1982 với giá 1.000đ. Trên tầng 2 của ban Văn (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) bây giờ, tôi tập trung sức viết liên tục sáng chiều, từ tháng 5 đến tháng 10 thì xong bản thảo”.
Trong văn bản vừa trích dẫn ở trên, ông kể: “Hạnh phúc cho tôi là sau khi bị kẹt dòng 10 năm, Sông cạn đã về được nơi nó cần chảy đến”. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”: chỉ đến khi đọc kỹ lại cuốn sách được in rất đẹp, được trả nhuận bút… kịch trần, ông mới biết được rằng, nó đã bị biên tập cắt mất ngót 80 trang (từ 580 còn 507 trang A4), mà bị cắt là những trang ông và bạn bè ông tâm đắc nhất. Hôm đến tặng tôi Sông cạn, Dũng Hà bảo: “Anh tặng chú một con hổ… nhưng chỉ là hổ đã bị vặt hết nanh vuốt; không bằng cả con hổ vườn Thủ Lệ”! Sao lại như vậy?
Tôi đã đọc lại bản in và nhớ lại những ngày “nhọc nhằn” của tác giả, nghĩ về số phận của một cuốn sách. Dũng Hà đã khi thì trực tiếp, lúc thì ủy nhiệm cho các nhà văn đàn em thay nhau đôn đáo ra Bắc, vào Nam đến gõ cửa các nhà xuất bản: Văn học (hai lần), Thanh niên, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, cuối cùng lại trở về Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân; rồi đi xin ý kiến các nhà văn từ Xuân Thiều, Hữu Mai, Hồ Phương, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải… đến Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Trần Đăng Khoa, Dương Duy Ngữ, Đỗ Kim Cuông, Triệu Xuân, Hoàng Lại Giang, Hồng Thanh Quang… rồi các nhà phê bình văn học Đinh Xuân Dũng, Nguyễn Hòa…(có ghi chép cẩn thận). Tác giả vốn là “lính ba thời kỳ” nên bạn bè anh em là tướng lĩnh, là người quản lý cũng không phải là ít, vậy mà không xuôi! Đến cả 10 năm sau, khi Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân Phạm Quang Định bảo với nhà văn Dũng Hà: “Tình hình đã khác rồi, đưa Sông cạn sang tôi đi”! Đưa rồi, vẫn phải đưa đến bản bông thứ 3, đưa cơ quan chức năng ký, cắt cúp… rồi mới được đưa xuống nhà in! Mãi sau này, khi nhìn lại thời cuộc, đọc thêm, nghe thêm tôi mới vỡ lẽ rằng, bấy giờ tình hình quả là phức tạp: có thư ông Nguyễn Trung Thành phát tán khắp nơi; lại còn tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn in ở Nhà xuất bản Thanh niên nói về chuyện “xét đi, xét lại”, chuyện “tù đầy bắt bớ”. Một số người có thể do non yếu về bản lĩnh dựa vào đó đã “nhân danh tổ chức” mà ra sức ngăn cản sự xuất hiện của Sông cạn mà tác giả là một ông tướng chăng?
Bây giờ đọc lại, tất nhiên là bản in chính thức thôi, tôi vẫn thấy cuốn sách có sự hấp dẫn, bố cục chặt chẽ, nhân vật có số phận, có cuộc đời và tác giả là môt người chân thực, giàu tình cảm với Đất nước, Đảng, Quân đội và gía đình. Trong tài liệu mà tôi có trong tay, nhà văn Dũng Hà nói rõ: “Tôi viết cuốn sách này nhằm chính thức thanh minh cho một người ruột thịt của tôi bị hàm oan vô tội… phù hợp với cuộc vận động Củng cố và xây dựng Đảng do Trung ương khởi xướng”.
Người “anh em ruột thịt” trong Sông cạn là nhân vật chính Thái Trung mà nguyên mẫu là Đại tá Đỗ Đức Kiên, anh ruột nhà văn Phạm Điệng tức tác giả cuốn sách, nhà văn thiếu tướng Dũng Hà. Đỗ Đức Kiên (1924-2003) tên khai sinh là Phạm Khương, sinh ngày 10/1/1924 trong một gia đình khá giả, nguyên quán tại xã Vũ Hồng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, từng giữ những cương vị quan trọng trong Quân đội, ông bị mắc rắc rối trong vấn đề quan điểm chính trị, mãi sau mới được phục hồi danh dự.
Thời trẻ, ông theo học Trường Cao đẳng Nông Lâm tại Hà Nội; tham gia hoạt động bí mật cho Việt Minh từ năm 1944. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, có chân trong Ban chỉ huy Đội tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, ông là Bí thư Thành bộ Việt Minh thành Hà Nội (năm 1947), Chính ủy Khu 12; Chính ủy Khu 11 (gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây); Chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Lục quân khóa 4 (1948), Bí thư Văn phòng Quân ủy Trung ương (tháng 10/1949); Cục phó rồi Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu (tháng 12/1950). Tại Sắc lệnh số 29–SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh ký ngày 16-2-1950 “ông Đỗ Đức Kiên, chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Quốc phòng”. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tham gia trên cương vị Phái viên đốc chiến Bộ Tổng Tham mưu.
Hiệp định Genève 1954 được ký kết, ông được cử đi học ở Trường lý luận Chính trị trung cao rồi sang Liên Xô (cũ) học tại Học viện Quân sự cao cấp. Ông được phong quân hàm Đại tá ngày 12/4/1955. Tháng 12/1964, ông được điều động sang giữ chức Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân; từ tháng 1-1966, là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Tuy nhiên, năm 1967, ông bất ngờ bị xem là có tư tưởng xét lại. Cuối năm 1971, ông được “giải oan”, bị điều chuyển khỏi quân đội ra làm chuyên viên thuộc Ủy ban Nông nghiệp tỉnh Thái Bình (tháng 1/1972) rồi năm 1977, ông được xem xét và phục hồi danh dự. Tháng 2/1978, ông chuyển về Bộ Nông nghiệp, làm chuyên viên, rồi được giữ chức Tổng cục phó Tổng cục Khai hoang. Tháng 7/1982, ông là Phó trưởng ban chỉ đạo Phân bổ lao động và dân cư Trung ương rồi Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho đến khi nghỉ hưu ngày 1/7/1989. Ông qua đời ngày 11/4/2003 tại Hà Nội. Ông được Nhà nước trao tặng các Huân chương: Quân công hạng Nhất, Chiến công hạng Nhất, Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ Quyết thắng và Huy hiệu 50 tuổi Đảng.
Trong Sông cạn, ông Đỗ Đức Kiên qua nhân vật Thái Trung hiện lên như một sĩ quan quân đội từng trải, kiên trung và giàu tình cảm, nhưng cũng chịu nhiều bầm dập, đắng cay: bị hiểu lầm; bị giam cầm tra hỏi; cách ly với gia đình vợ con, bè bạn… Bị “dồn ép” đến mức một người như ông, đã từng cả đời dạn dĩ cùng trận mạc, đạn bom mà có lúc cũng phải nghĩ đến việc tự tử. Nhật ký của ông ghi: “Ngày 25 tháng 8… đã chuẩn bị được gần 20 viên xeduyxen. Đây là giải pháp cuối cùng… Ta sống làm gì nữa?”. Bởi:
Khai thật vẫn phê “bịa, khai man”!
Điều chẳng biết gì, ghi “thừa biết”!
Việc không làm tới nói “thường làm”!
Kiên nhẫn trình bày cho “ngoan cố”!
…
Đối lập với nhân vật Thái Trung là những nhân vật như Chế Thành, Công Hữu, Khích, Bừng “coi như là” nhân danh “tổ chức” làm việc một cách máy móc, vô cảm, rất thiếu tình người…
Rất tiếc là những đoạn, những chi tiết độc đáo nhất về những nhân vật “quản tù” này đã bị cắt bỏ. Những đoạn nói về Thái Trung bị cách ly với bên ngoài mà ấn tượng nhất là cảnh gieo neo, bị nghi kỵ của vợ con; cả những thái độ chân thành, tình yêu tha thiết hồn hậu cúa nhân vật chính với Đảng, Bác Hồ… cũng bị lược đi cắt bỏ!
Dũng Hà - một dòng sông đã cạn, nhưng cuộc đời ông đã là một bài học đẹp về chữ “nhẫn”, nhẫn để đứng dậy, vượt qua và đi tới. Từ một chiến sĩ, một chiến đấu viên trở thành một vị tướng; từ một cán bộ quân chính viết văn nghiệp dư dưới đơn vị trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đứng đầu Ban biên tập một tạp chí văn chương uy tín, một cơ quan văn nghệ có rất nhiều tên tuổi và cũng rất nhiều… cá tính là Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong suốt 10 năm (1982-1992)
Dũng Hà giờ đã siêu sinh tịnh độ nơi cõi Phật, nhưng mỗi lần nhớ tới ông tôi lại cứ bị ám ảnh về một dòng sông như dòng sông Cà Lồ nơi quê tôi – mà sinh thời nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết: Sông Lấp, sông Cà Lồ những dòng sông dẫu cạn / Trong lòng người còn biết mấy mênh mông!
Thập Tam trại, sắp sang xuân Đinh Hợi 2019