'Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng'
Hẳn là mọi người còn nhớ, sau khi Việt Nam đoạt chức vô địch AFF Cup 2018, nhiều tờ báo đã triệt để khai thác status đăng trên Facebook của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đặng Hùng viết về thủ môn Đặng Văn Lâm. Về phần mình, vì lúc thấy báo này giới thiệu cha của Đặng Văn Lâm - nghệ sĩ múa Đặng Văn Sơn, từng làm việc tại “nhà hát cách mạng Việt Nam”, lúc thấy báo khác kể trước đây ông làm việc tại “nhà hát trung ương”,… tôi lại tò mò.
Trực tiếp đọc status của NSND Đặng Hùng thì biết nguyên văn ông viết: “Bố con là nghệ sĩ múa giỏi đã từng đóng góp không nhỏ cho ngành múa vn trong các vở kịch múa tại trường múa vn, nhà hát nhạc vũ kịch vn, nhà hát cmn trung ương”. Có lẽ một số nhà báo đã không biết “nhà hát cmn trung ương” là viết tắt của “nhà hát Ca Múa Nhạc Trung ương” nên viết phứa thành “nhà hát cách mạng Việt Nam”, “nhà hát Trung ương”! Tôi nghĩ, điều như nhỏ nhặt đó thực ra lại là biểu hiện của một tình trạng đáng quan ngại trong một số người làm báo, đó là vừa thiếu hụt kiến văn, vừa tùy tiện, vừa vô trách nhiệm với điều họ viết và đem đến cho người đọc. Sự kiện này khiến tôi nhớ đầu tháng 11-2018, tại một chương trình nghệ thuật tường thuật trực tiếp trên truyền hình, với phong cách đầy hứng khởi, một Giáo sư Tiến sĩ Khoa học thao thao trước bàn dân thiên hạ: “Năm 1980 Đặng Thái Sơn được giải thưởng Chopin, người Nga cũng đảo lộn suy nghĩ, vì dân mò cua bắt ốc làm sao đánh được piano đến cái mức mà người châu Âu phải thán phục. Tức là anh ấy trở thành vô địch Giải Chopin với những nghệ sĩ đến từ các nước rất có truyền thống, rất giỏi đánh piano. Và cũng xin thưa rằng cho đến nay Đặng Thái Sơn vẫn là nghệ sĩ được giải Chopin duy nhất của châu Á, Nhật chưa có, Trung Quốc chưa có, Hàn Quốc cũng chưa có”. Nghe ông nói, tôi trố mắt ngạc nhiên. Sáng hôm sau, tôi nhắn vào điện thoại của ông: “Tối qua anh nói sai đấy. Sau Đặng Thái Sơn, tại cuộc thi piano quốc tế Frederic Chopin đã có hai người châu Á được trao giải Nhất là Li Yundi người Trung Quốc (năm 2000) và Seong-Jin Cho người Hàn Quốc (năm 2015). Và ông trả lời: “Vâng cám ơn anh. Tôi không theo dõi nên không nắm được”! Sau đó thấy video-clip chương trình này được đưa lên youtube nhưng vẫn giữ nguyên đoạn hình và tiếng của ông Giáo sư Tiến sĩ Khoa học dù không theo dõi vấn đề song vẫn phán xưng xưng, tôi tự hỏi: “Đã và sẽ có bao nhiêu người tin vào cái điều “duy nhất” được ông Giáo sư Tiến sĩ Khoa học quảng bá?”.
Hơn chục năm trước, làng báo Việt bắt đầu xuất hiện một số tờ báo có xu hướng thị trường, tiếp cận rộng rãi với thông tin trong nước và thế giới. Các báo này thu hút lượng công chúng khá lớn, và có lẽ vì phải tìm kiếm thông tin giật gân, hấp dẫn… nhưng chưa được chuẩn bị kỹ về kiến văn nên nảy sinh không ít chuyện dở khóc dở cười. Theo tôi, hồi đó một số người làm báo chưa biết loại thông tin thường được chế tác vào ngày “cá tháng tư” (1-4) nên khai thác cả sự kiện tếu táo, đùa vui của làng báo thế giới biến thành chuyện có thật. Báo này kể ở vùng đất sau thảm họa Chernobyl, chất phóng xạ gây biến đổi gien làm xuất hiện những con chuột nặng vài chục kilogam! Báo khác kể chuyện cầu thủ bóng rổ nổi tiếng người Nga ký hợp đồng với đội bóng rổ của Mỹ, vì cầu thủ này cao quá khổ, nên đội bóng mới phải đóng riêng cho một anh chiếc giường, cuối tuần có hai người tháp tùng đi câu cá, trong đó có một người chỉ làm một việc là mắc mồi vào lưỡi câu (?)...
Hy hữu, bi hài nhất hẳn là sự kiện xảy ra năm 2007. Năm đó chuyên mục trào phúng của báo A đăng bài kể: Du lịch bí mật đến Việt Nam, đi qua vùng Lái Thiêu, ngôi sao quần vợt người Nga Maria Sharapova thấy nhiều người cầm vợt vung vẩy mà không có bóng. Cô hỏi người phiên dịch thì được biết cư dân ở đây rất mê quần vợt nhưng vì nghèo nên không có tiền mua bóng. Nghe vậy, Maria Sharapova quyết định mở một học viện quần vợt tại Việt Nam. UPI ngỡ tin này là thật, liền khai thác để đăng tải; và báo B ở Việt Nam vội chộp từ UPI để dịch rồi đăng đầy một trang A5 với đầy đủ nguồn tin và ảnh Maria Sharapova! Sau rồi tất cả chưng hửng, vì từ tình trạng vùng Lái Thiêu khi đó rất nhiều muỗi, người dân phải luôn tay cầm vợt bắt muỗi, báo A tếu táo hư cấu nên giai thoại cư dân thích quần vợt, nhưng không có bóng!
Ngỡ rằng sau những sai sót ban đầu ấy, báo chí sẽ dần đi vào quỹ đạo cần có để trở thành “món ăn tinh thần” hằng ngày không thể thiếu của xã hội, song tiếc thay sau hàng chục năm, một số tờ báo, nhà báo như có xu hướng mời bạn đọc xơi một số “món ăn” mà tôi không biết họ có dám mời người thân của mình xơi hay không? Vì hằng ngày lướt web, bên đủ loại tin tức về cướp - giết - hiếp mà chủ yếu là xào xáo lại của nhau nhưng gắn thêm những cái nhãn như “thông tin bất ngờ” nhưng đọc chẳng thấy có gì bất ngờ, “diễn biến mới” nhưng đọc thì không thấy có điều gì mới… Tôi còn gặp các bài báo nhan đề đại loại: “Cái kết của thanh niên xé rách đũng quần bạn gái”, “Hồ Ngọc Hà chấp nhận ở dưới để cho người khác… trèo lên”, “Mỹ nhân đùi đá tảng bày cách làm sáng da ở vùng khó nói”, “Chị em hớ hênh khi mặc quần tất ra đường HOT nhất tuần”…
Các nhà báo theo xu hướng này rất dễ “phát cuồng, phát sốt, ngộp thở, choáng, đứng ngồi không yên, gục ngã mê mệt, xôn xao…” chỉ vì “áo tắm dây mảnh bé xíu”, “vòng một ngồn ngộn”, “dàn mỹ nữ diện bikini vẽ “thả rông” nô đùa trên đảo vắng”… Tức là có thể đặt câu hỏi, đối với họ làm báo chỉ là săm soi “chỗ nhạy cảm” của người nổi tiếng để thử thách thần kinh, hoặc “khó rời mắt trước vẻ quyến rũ của MC TM khi diện váy xẻ sâu” như tên một bài báo? Với thể thao, hồi xoilac.com làm xôn xao dư luận, một số nhà báo khẳng định đó là “ngang nhiên phát lậu”, “phát sóng trái phép”… sẽ bị phạt tù 5 năm. Nhưng đến nay vẫn không thấy nơi giữ bản quyền lên tiếng, cũng chẳng thấy ai bị phạt hay bị tù...
Cuối cùng là chuyện nhà báo vi phạm pháp luật, vì năm 2018 kết thúc với liên tiếp các sư kiện một số người nhân danh nhà báo để sách nhiễu, tống tiền. Thật buồn khi “phóng viên nhận hối lộ”, “nhà báo tống tiền doanh nghiệp”, “bắt nhà báo tống tiền”… lại trở thành từ khóa “hót” trên mạng. Riêng kẻ viết bài này thì còn buồn hơn, vì đến một số nơi thấy nhiều người tỏ ra sợ, ngại nhà báo, vì sau các sự kiện nhà báo tống tiền, bị bạn bè trêu đùa hỏi: “Kiếm chác được từ doanh nghiệp nào chưa?”. Và không chỉ buồn, mà còn là nỗi xấu hổ khi tôi đọc những dòng chữ dù khá phũ phàng nhưng không sai của Anh Hoàng viết trên Facebook: “Nhiều người làm báo chưa dám nhìn thẳng vào sự thật là nghề làm báo ở Việt Nam thực sự đang rất ô nhiễm (…) bởi cơ số các nhà báo, phóng viên chỉ muốn làm giàu nhanh mà bất chấp thủ đoạn, tư cách đi tống tiền, làm tiền từ những sai sót nhỏ đến sai phạm lớn của doanh nghiệp.
Đồng ý là báo chí phải viết bài phản ánh những tiêu cực của doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân mà ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng. Nhưng săm soi, bới móc để vòi tiền, vòi hợp đồng thì dạng báo chí đó là kẻ cướp (…) chứ báo chí gì”! Quan sát làng báo và dẫn lại điều Anh Hoàng đã viết, tôi không có ý bôi đen, cũng không nhằm phủ nhận nỗ lực của rất nhiều đồng nghiệp trên mọi miền đã đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, vì nghĩ viết bài ca ngợi thành tựu của đồng nghiệp không khó, nên tôi chọn góc nhìn phê phán. “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” và góc nhìn đó cũng là một cách thức để tôi hy vọng sang năm mới 2019, làng báo sẽ thêm thật nhiều điều hay, và không còn điều không nên, không đáng có.