Tết ấm áp cho các nạn nhân da cam và trẻ khuyết tật
“Tết-tết-tết-tết đến rồi … Tết đến trong tim mọi người,” lời bài hát “Ngày Tết quê em” vang lên khắp cả Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng càng làm cho không khí đón Tết ở đây thêm tưng bừng, náo nhiệt.
Cô Trần Thị Diệp hướng dẫn các em làm hoa voan. (Ảnh: Vietnam+).
Những ngày Tết đến Xuân về này, đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các nạn nhân da cam và trẻ em nghèo bất hạnh và cùng chung tay với các nạn nhân da cam trang hoàng trung tâm để vui đón Tết Cổ truyền của dân tộc.
Đường vào trung tâm rực rỡ những chậu hoa khoe sắc, một hội trường lớn được trang hoàng thật đẹp, để các nạn nhân da cam sinh hoạt, giao lưu trình diễn các tiết mục văn nghệ; các nam, nữ là nạn nhân da cam trong trang phục áo dài truyền thống, áo cờ đỏ sao vàng, trên tay cầm các cành hoa mai, đào, múa, hát nhịp nhàng theo các điệu nhạc. Không khí Tết cùng những tia nắng ấm áp đã tràn về Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng.
Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng cho biết thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 5.000 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có 1.400 trẻ em bị di chứng nặng. Trung tâm Bảo trợ của Hội đang nuôi dưỡng, chăm sóc 150 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các em ở đây được học chữ, học múa, hát, học cách tự chăm sóc bản thân và học các nghề thêu, may, làm hương, làm hoa, đan cườm, tùy theo sức khỏe và khả năng tiếp thu của các em.
Xuân đang về, các em trong tổ sản xuất hương vừa hoàn tất xong những “hợp đồng” cung cấp hương để phục vụ thị trường, nay lại tự trang điểm cho mình và xúng xính trong những bộ quần áo mới, khoe sắc cùng tân niên.
Em Ngô Thành hồ hởi: em rất vui vì từ khi vào trung tâm em có được nhiều bạn bè, em đã biết tự chăm sóc bản thân, không còn mặc cảm, tự ti và đã được học nghề làm hương, Tết này em cùng các bạn trong tổ tự làm ra những bó hương để bán và sau này em có thể phụ giúp gia đình được nhờ vào nghề làm hương này.
Cô Trần Thị Diệp, phụ trách lớp làm hoa voan chia sẻ, các em đến với trung tâm có những hoàn cảnh đặc biệt khác nhau và rất mặc cảm, tự ti nên mình phải có những cách dạy riêng biệt, biết dỗ dành, động viên thì các em sẽ vâng lời và nhanh tiến bộ. Tết này những sản phẩm hoa voan đủ màu sắc, kích thước do các em tự làm ra để trưng bày, trang trí cho trung tâm và một phần được bán ra thị trường để phục vụ người tiêu dùng góp phần có thêm thu nhập cho các em trong dịp Tết nên các em rất vui.
Đầu năm 2019, được sự quan tâm của chính quyền thành phố Đà Nẵng và các đơn vị thiện nguyện trong nước và quốc tế, trung tâm vừa khánh thành đưa vào sử dụng hai lớp học có diện tích hơn 100m2 dành cho các nạn nhân chất độc da cam và trẻ em nghèo. Các nạn nhân lại có được nơi học tập, sinh hoạt mới tốt hơn.
Đến thăm, tặng quà và giao lưu văn nghệ cùng các nạn nhân chất độc da cam nhân dịp Tết tại trung tâm, bà Ngô Ánh Nguyệt, đại diện Điện lực Hòa Vang cảm phục khi nhìn thấy các nạn nhân da cam, khuyết tật vốn ăn nói, đi lại đã khó khăn nhưng các nạn nhân đã tự tay làm ra được những sản phẩm hoa voan thật đẹp, lại biết múa, hát giao lưu tạo nên một không khí ấm áp, gần gũi giữa mọi người.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng Tô Năm cho biết năm 2018, Hội đã triển khai nhiều giải pháp chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin như: Hỗ trợ đột xuất cho các gia đình nạn nhân chất độc dam cam/dioxin có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, tai nạn; xây mới, sửa chữa nhà ở; tặng quà, học bổng cho nạn nhân… Hội đã vận động được hơn 9 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, với số tiền này, Hội đã trao gần 9.000 suất quà cho các nạn nhân; hỗ trợ heo giống cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hòa Vang; xây dựng phòng học tại Trung tâm bảo trợ của Hội...
Phó Giám đốc Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng Võ Thị Thu khẳng định bằng tình thương, tấm lòng nhiệt huyết, cán bộ, nhân viên trung tâm luôn làm hết sức mình để chăm sóc và tạo mọi điều kiện để các nạn nhân da cam được học tập, làm việc. Nhờ đó, những mảnh đời không may mắn này đã vượt khó vươn lên trong cuộc sống, khẳng định được mình và hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện tốt nhiều chương trình an sinh xã hội như giảm nghèo, giải quyết việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội… đặc biệt, thành phố dành nhiều nguồn lực đầu tư cho trẻ em. Thành phố đã giải quyết chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng cho gần 2.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 270.000 đồng lên 350.000 đồng (cao hơn so với quy định của Trung ương)…
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh, từ những kết quả đạt được thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh và có những chương trình, hành động thiết thực, hiệu quả nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thân thiện với trẻ em và được công nhận theo tiêu chí toàn cầu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).