Tóm cổ rắn độc: Ông lão ôm vàng ròng đổi lấy ‘siêu xe’

Theo Dantri 06/02/2019 12:01

Đang lúc đói nghèo, cơm không đủ ăn nhưng nhờ thuần hóa được con rắn độc, người dân đổi đời. Như nhà ông Quảng, sau 2 năm nuôi rắn, ông ôm vàng ròng đi sắm “siêu xe”, mua chiếc tivi đen trắng cho cả làng tới xem.

Cả làng đi săn bắt rắn độc

Không còn hình ảnh con trâu, bụi tre nơi đầu làng, về xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), nhiều người sẽ phải trầm trồ bởi dọc hai bên đường là những ngôi nhà cao tầng mọc san sát nhau, nhìn chẳng khác gì nơi phố thị. Những con đường trải nhựa, bê tông nối nhau chạy quanh làng. Cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi thực sự nhờ loài rắn “tử thần”.

Cũng bởi thế mà khi đi dọc đường làng, không ít người còn giật mình, rợn tóc gáy vì tiếng phì phò phát ra từ những chuồng nuôi chứa đến hàng chục vạn con rắn độc. Đây cũng là lý do Vĩnh Sơn nổi tiếng khắp cả nước với tên gọi: “Làng tử thần”.

Dẫn chúng tôi vào trang trại với tiện nghi đầy đủ, ông Hà Văn Quảng, Chủ tịch làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn, chỉ vào chiếc rổ đựng những khúc cây đang cắt dở để ngoài sân rồi nói: “Tôi đang chuẩn bị mấy loại cây thuốc để ngâm rượu. Còn rắn thì giờ nhìn thấy là choáng, con tôi nuôi thôi chứ tôi bỏ nghề cũng đã chục năm nay rồi”.

Tóm cổ rắn độc: Ông lão ôm vàng ròng đổi lấy ‘siêu xe’

Nghề nuôi rắn ở xã Vĩnh Sơn có nguồn gốc từ cuối thế kỷ thứ 19.

Làm quen với con rắn từ khi là đứa trẻ lên ba, nay cũng đã gần 70 tuổi, nhưng ông Quảng phải thừa nhận, nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn có từ bao giờ ông không thể trả lời chính xác. Ông chỉ được nghe các cụ kể lại rằng, từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, quê ông làm nghề nông, cuộc sống nghèo khổ, bữa đói bữa no. Khi ấy, người dân đi khắp các cánh đồng bắt rắn về thịt, về ngâm rượu bán kiếm thêm thu nhập, giống kiểu ở những vùng quê khác đi bắt thêm con tôm con tép ngoài đồng để cải thiện bữa ăn ngày đói nghèo.

Song, thứ gì bắt nhiều, bắt mãi cũng hết. Rắn ở ngoài đồng dần cạn kiệt, dân làng Vĩnh Sơn lại kéo nhau vượt suối băng rừng, đi khắp các vùng rừng núi ở phía Bắc nước ta để săn bắt rắn. Mà thời đó thì bắt toàn rắn độc về ăn.

“Không chỉ săn bắt rắn độc đâu, ở làng còn có nghề đi bán rắn dạo. Cứ đem vài ba con rắn độc bỏ vào giỏ đi rao bán khắp làng trên xã dưới, ai mua thì bắt thịt luôn cho họ ngâm rượu”. Ông Quảng cho hay, cả làng kéo nhau đi bắt rắn. Rắn độc bắt về ăn và ngâm rượu không hết, người dân đem nhốt vào thùng nuôi tạm. Sau thấy những con rắn độc đó đẻ trứng, trứng lại nở thành con nên họ giữ lại nuôi lớn.

Cũng từ đó, dân quê ông nảy ra ý định nhân nuôi rắn. Rắn độc bắt về được thuần hóa bằng cách nhốt vào chuồng hay thùng để chúng quen dần với con người. Còn chuyện sinh sản thì hoàn toàn tự nhiên nên năng suất không cao như bây giờ.

Đến năm 1979, một trại nuôi rắn tập trung rộng tới 2 ha được thành lập tại xã. Nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn cũng bắt đầu chuyên nghiệp hơn.

“Trại rắn lúc đó rất lớn, có cả các bác lãnh đạo cấp cao ở Trung ương về thăm, có các nhà khoa học nước ngoài về nghiên cứu. Rượu rắn làm ra thì bán mấy chục đồng/chai. Nổi tiếng khắp cả nước”, ông chia sẻ.

Tóm cổ rắn độc: Ông lão ôm vàng ròng đổi lấy ‘siêu xe’ - 1

Những con rắn độc bắt ngoài tự nhiên về được thuần hóa bằng cách nuôi nhốt trong chuồng.

Sắm “siêu xe”, tivi cho cả làng tới xem nhờ

Đưa chúng tôi ra cổng và chỉ tay về phía ngôi nhà cấp 4 đối diện chỗ mình ở, ông Quảng khoe đó là trại rắn nhà ông, nuôi khoảng 4.000 con rắn hổ mang - loại rắn độc cắn có thể gây chết người nếu không được cứu chữa kịp thời.

“Tôi theo nghề nuôi rắn từ năm 1983, dù lúc đó chỉ nuôi khoảng 100 con rắn hổ mang thôi nhưng cũng là một trong những hộ nuôi nhiều ở xã này”. Ông nói và cho biết, hồi mới vào nghề còn ít kinh nghiệm, rắn nuôi lại là rắn độc nên phải nhờ những người trong làng có nghề đến bắt hộ mỗi khi đến kỳ cho chúng ăn hay trị bệnh. Nuôi được một thời gian ông mới làm quen, tự tay thò vào chuồng bắt những con hổ mang.

Lứa rắn đầu tiên của ông nuôi, sau khi bán hết ông thu được chưa đầy chục triệu đồng. So với bây giờ thì không là gì, nhưng ở thời điểm ấy, giá trị đồng tiền cực lớn, vàng ròng chưa đầy 200.000 đồng/chỉ.

“Đang lúc đói kém, tự nhiên chỉ nhờ bán một lứa rắn mà được ôm cả một cục tiền, sung sướng vô cùng. Cầm tiền, tôi bỏ ra một phần quay lại tái đầu tư, tăng quy mô đàn”, ông nói.

Sau 2 năm đầu tiên nuôi rắn hổ mang, cuộc sống gia đình trở nên sung túc, ông sắm được chiếc tivi đen trắng với giá 2 cây vàng. “Hồi đó tôi nhớ, cả xã mới có duy nhất 2 chiếc tivi đen trắng, trong đó một chiếc là của nhà tôi. Hoành tráng lắm, tối nào dân làng cũng kéo đến ngồi chật kín sân nhà tôi để xem nhờ tivi”.

Tóm cổ rắn độc: Ông lão ôm vàng ròng đổi lấy ‘siêu xe’ - 2

Nhờ thuần hóa được con rắn độc để nuôi bán thịt mà có gia đình đổi đời, có cuộc sống sung túc hơn.

Ngoài chiếc tivi, ông còn ôm 7-8 cây vàng ròng đi sắm chiếc xe máy mô kích (xe Simson). So với bây giờ thì không là gì nhưng ở thời đó nó chẳng khác nào “siêu xe”, ông Quảng tự hào kể lại.

Những năm tiếp theo, thu nhập của ông từ nghề nuôi rắn độc ngày càng nhiều. Tiền thu về giúp cuộc sống gia đình ông được cải thiện. Đàn rắn ông nuôi số lượng cũng tăng dần qua mỗi năm.

Nói làm giàu ở thời bấy giờ thì chưa phải, nhưng con rắn hổ mang đã giúp nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Sơn thoát khỏi đói nghèo, có cuộc sống khấm khá, sung túc hơn trước rất nhiều.

Theo ông Quảng, nuôi rắn độc có nhiều rủi ro, đánh cược cả mạng sống. Thực tế, nhiều người đã phải trả giá bằng tính mạng, bị mất đi một phần cơ thể vì rắn cắn. Như bản thân ông, sau 25 năm gắn bó với rắn hổ mang, cách đây chục năm ông đành phải truyền nghề lại cho các con, bởi ông trở nên dị ứng với loài bò sát cực độc này sau một lần bị rắn cắn suýt chết. Song, ông phải thừa nhận rằng, giờ nghề nuôi rắn giúp người dân Vĩnh Sơn làm giàu, trở thành tỷ phú, xây nhà lầu, tậu xe hơi.

“Hiện hai con tôi đang nuôi 4.000 con rắn, năm nay thu được tròn 2 tỷ tiền trứng rắn. Riêng rắn thương phẩm chưa bán, vẫn còn ở trong chuồng”, ông chia sẻ.

Theo Dantri