Họa sĩ Trần Thị Thu: Tiếp cận thị trường tranh là sự may rủi
Họa sĩ Trần Thị Thu sinh năm 1970 tại Sơn La, vì vậy tranh của chị luôn thể hiện sự khát khao mãnh liệt phóng khoáng của hơi thở núi rừng sơn cước. Trong năm 2014, nữ họa sĩ đạt Giải A khu vực 14 tỉnh phía Bắc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Giải Nhất toàn quốc về Hội họa tại Hà Nội...
Trở về Hà Nội sau khi tham gia triển lãm trưng bày tranh và vải tại TP HCM, nhận được nhiều lời khen ngợi tích cực, tiếp xúc với nhiều nhà sưu tập, họa sĩ Trần Thị Thu chia sẻ:- Không rõ tác phẩm của các họa sĩ Bắc có mang được sắc thái cho hội hoạ phương Nam hay không, nhưng tôi nghĩ bất cứ một nghệ sĩ nào sáng tác đã là chủ thể riêng biệt rồi, nên việc xuất hiện nghệ thuật của cá nhân nào đó có ảnh hưởng tới xung quanh là điều có thể.
Dường như ở Hà Nội trước đây, các họa sĩ thường vẽ với tâm thế vì nghệ thuật, vì sự bay bổng sáng tạo và đam mê?
- Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương phát sinh từ Hà Nội mà. Việc vẽ với tâm thế vì nghệ thuật nằm ở trong tâm khảm mỗi trái tim của nghệ sĩ, đó cũng là một cửa ải vô cùng khó khăn. Vẽ với tâm thế tự do bay bổng lãng mạn là một hạnh phúc. Muốn sáng tạo đúng đam mê quả thực ít ai dám dũng cảm dấn thân cho một câu chuyện mà cuối con đường có lẽ mới có kết quả. Những tấm gương về câu chuyện cuộc đời đại đa số nghệ sĩ sống cho một sự quyết liệt với nghệ thuật trên thế giới và Việt Nam đã có rất nhiều. Xét cho cùng nghệ sĩ dù ở đâu khi họ thực sự dấn thân vào đam mê, họ sẽ tự thấy bản thân họ phải làm gì và sẽ sống thế nào, chứ không hẳn chỉ có ở Hà Nội. Hà Nội cũng là một cái nôi cho câu chuyện sáng tạo và đam mê.
Nhưng rõ ràng rằng khi tiếp cận với thị trường tranh, các họa sĩ Bắc còn có sự e dè ngần ngại?
- Việc tiếp cận với thị trường tranh như ở Việt Nam hiện nay có vẻ như một mớ hỗn độn, thật giả lẫn lộn, có người bỏ ra rất nhiều tiền mà không có nhận thức thẩm thấu các tác phẩm hội hoạ tốt, người có nhận thức với các tác phẩm tốt lại ít tiền. Chính vì vậy việc tiếp cận với thị trường tranh còn có cả sự may rủi, một thị trường chưa chuyên nghiệp, gọi chung là mọi thứ chưa đồng bộ hoá.
Phải chăng việc các nghệ sĩ Hà Nội đưa tác phẩm của mình đến với thành phố năng động và thị trường sôi động như TP HCM là một bước tiến mới cho việc các tác phẩm tiếp cận được với công chúng yêu nghệ thuật và thị trường mỹ thuật?'
- Tôi nghĩ đó cũng là mong muốn của các nghệ sĩ và công chúng, việc đưa tác phẩm đến một thị trường mới đầy sôi động là một bước khó khăn không chỉ là một, hai cuộc triển lãm đã có thể thuyết phục được công chúng yêu nghệ thuật hoặc săn lùng nghệ thuật. Một số nhà đầu tư an toàn họ vẫn tìm mua các tác phẩm của các hoạ sĩ thuộc thế hệ trước để tránh rủi ro, nhưng thực tế cho thấy vẫn có những rủi ro như cuộc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”. Đấy cũng là một trong những thử thách cho hàng loạt các câu chuyện nghệ thuật đương đại tiếp cận tới thị trường đất Nam hay đất Bắc.
Khi thực hiện tác phẩm cho triển lãm trong TP HCM, chị quan tâm đến chủ đề hay quan tâm đến thị hiếu công chúng phía Nam?
- Cũng may là tôi đang nghiên cứu và vẽ về “Rừng” nên tôi dễ dàng nhận lời tham gia triển lãm. Điều khiến tôi quan tâm nhất là tôi vẽ với thứ tôi nghiên cứu, nó mang tính chủ đề hay mang tính cá nhân thì nó phải thuộc về tôi. Công chúng với tôi là một điều hết sức cần thiết, nếu tác phẩm của tôi được vẽ bằng nhận thức thẩm mỹ, bằng trái tim và nhận thức xã hội, tôi nghĩ công chúng sẽ yêu quý các tác phẩm ấy.
Có thể thấy với tranh lụa khổ lớn và một gian phòng trưng bày cho triển lãm phải tốn rất nhiều công sức cho việc vận chuyển và bảo quản từ Bắc vào Nam?
- Tôi phải tính từng khâu sao cho cẩn thận, đóng thùng vừa đúng số tranh được xếp trong đó, mọi người bảo tôi đóng thùng để mang ra nước ngoài, người thì bảo đóng tủ, nói chung phải rất cẩn thận bởi nó là lụa.
Trong ngày khai mạc và quá trình diễn ra triển lãm, tác phẩm của chị nhận được sự quan tâm lớn của công chúng, phòng triển lãm của chị chật cứng người và họ rất thích thú với tác phẩm, chị đã có những cảm giác gì và công chúng miền Nam đã chia sẻ với chị những gì về tác phẩm của chị.
- Tôi vui lắm, nhận được sự ủng hộ của công chúng trong ngày khai mạc đó là một món quà vô giá cho tôi trong kết quả lao động nghệ thuật. Cảm nhận và chia sẻ của công chúng là sự ngạc nhiên, cuốn hút, thích thú, say mê trên lụa mà tôi đã tạo ra.
Còn đồng nghiệp thì có chia sẻ gì với sáng tạo mới của chị, trừu tượng trên lụa?
- Đồng nghiệp và bạn bè có chuyên môn rất yêu thích việc tôi vận dụng trừu tượng sang lụa, tôi nhớ năm 2008, thầy Nguyễn Thụ bảo tôi: “Thu vẽ lụa như vẽ sơn dầu nhỉ”! Thế mà tôi nhớ mãi, rồi đến sau này, khi vẽ sang lụa, tôi thấy khoẻ như sơn dầu. Thầy Nguyễn Thụ dặn, tôi làm dòng này rất hay, cứ thế mà phát triển và không quên nhắc tôi vận dụng sang sơn dầu sẽ rất hay. Tôi nghe lời thầy và tôi cũng có ý định đó!
Việc sáng tác là hàng ngày, ngay cả trong mơ, hay trong lúc di chuyển trên đường, và đặc biệt khi trở về vườn khế tôi luôn quan sát không gian, ánh sáng để tương tác với những bức tranh lụa đang hiện hữu trước mắt mình!
Qua triển lãm vừa rồi, chị có được những trải nghiệm quan trọng nào cho việc sáng tác sau này?
- Có rất nhiều những trải nghiệm cho bản thân tôi, nhưng hình như mỗi ngày nó lặn vào bên trong một chút, bởi con đường tôi đang đi nó như đã được định dạng sẵn cho tôi, tôi đang đào bới và khai thác chính những yếu tố mà mình đang nghiên cứu. Việc triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vừa qua như một cuộc thực hành lớn cho triển lãm tiếp theo của tôi vào cuối 2019 hoặc đầu năm 2020. Đây cũng như một nhận diện lớn cho chính tôi để chiêm nghiệm và phát triển.
Xin chân thành cảm ơn chị!