Trẩy hội ở ‘Hoan Châu đệ nhất danh lam’
Ngày 10/2 (tức mùng 6 Tết Kỷ Hợi), UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) phối hợp với Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Hồng Lĩnh tổ chức khai mạc Lễ hội Chùa Hương Tích 2019 (xã Thiên Lộc, Can Lộc). Đây là lễ hội mở đầu cho năm du lịch 2019 của tỉnh Hà Tĩnh. Được biết, Chùa Hương Tích Hà Tĩnh vốn được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đánh trống khai hội Chùa Hương Tích.
Như thường lệ, mỗi độ Tết đến, xuân về, hàng triệu lượt du khách gần xa hành hương về Chùa Hương Tích Hà Tĩnh để chiêm ngưỡng non nước hùng vĩ, thưởng lãm cảnh chùa cũng như cầu chúc cho một năm mới bình an, ấm no, hạnh phúc, quốc thái dân an...
Chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh không những linh thiêng mà còn là danh thắng nổi tiếng của đất nước, được Vua Minh Mạng chọn khắc vào 1 trong 9 đỉnh đồng đặt ở sân Thái Miếu Kinh đô Huế.
Để lên được chùa Hương, khách tập phương có chọn lựa một là bộ hành (hoặc đi xe máy) suốt hơn 5 km qua rừng thông, rừng trúc mai, từ cổng chùa để lên đến chính điện ở độ cao 650 m so với mực nước biển. Hai là đi thuyền trên đập Nhà Đường (khoảng 2 km) ngắm nhìn nước từ khe quỷ khóc chảy ra, ngắm cảnh suối nước thơ mộng đẹp như trong tranh vẽ để đến cổng chùa, sau đó đi bộ 1 km theo khe quỷ khóc lên đến đến suối Hương Tuyền, rồi tiến hành đi cáp treo lên chùa.
Trong Lễ khai hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã đánh những tiếng trống đầu tiên, chính thức khai hội Chùa Hương Tích 2019.
Du khách gần xa hành hương về Hương Tích tự ở Hà Tĩnh để trẩy hội.
Phát biểu tại Lễ khai hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường cho biết: “Trong những năm qua, văn hóa, lễ hội và du lịch đã luôn đồng hành và góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của huyện Can Lộc. Năm 2018, nhờ Khu du lịch Chùa Hương Tích và di tích Ngã Ba Đồng Lộc, lượng khách trong nước và quốc tế đến với Can Lộc đạt trên 50 vạn lượt khách, đóng góp thu trên địa bàn hơn 30 tỷ đồng. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng thu ngân sách cho địa phương”.
Ngay sau phần lễ là chương trình văn nghệ và các trò chơi truyền thống như kéo co, chọi gà, kéo vật, bịt mắt bắt vịt, bắt lợn...thu hút hàng nghìn người tham gia. Về thưởng lãm ở Chùa Hương Tích Hà Tĩnh năm nay, du khách, tăng ni, phật tử không còn phải lo ngại về vấn đề an ninh trật tự bởi chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ở Can Lộc đã huy động hàng chục chiến sĩ, lực lượng công an địa phương để đảm bảo an ninh, trật tự.
Theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết trong ngày khai hội, tình trạng chặt chém giá cả tại các điểm dịch vụ, kinh doanh đã được kiểm soát chặt chẽ. Giá của một số dịch vụ như cáp treo đã giảm hẳn so với năm trước. Không còn cảnh chèo kéo, ăn xin như trước đây nhưng tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn.
Hệ thống cáp treo hiện đại đáp ứng nhu cầu của du khách về thưởng lãm cảnh chùa.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường, để Chùa Hương thực sự là nơi lễ hội văn hóa tâm linh lành mạnh, hướng thiện, một bản sắc văn hóa riêng của người Hà Tĩnh, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc vệ sinh môi trường bảo vệ cảnh quan danh thắng. Hướng dẫn viên, tuyên truyền viên cần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa của Chùa Hương Tích, văn hóa Hà Tĩnh đến với du khách khi về với Chùa Hương Tích Hà Tĩnh.
Chị Nguyễn Thị Mai (một du khách đến từ Nghệ An) cho hay, những năm gần đây, cứ đến đầu năm mới chị lại đến Chùa Hương Tích để vừa tham quan vừa cầu phúc, cầu lộc, cầu tài cho bản thân và gia đình.
“Đến đây mỗi năm tôi thấy đều có sự thay đổi rõ rệt trong khâu tổ chức cũng như quản lý của địa phương và đơn vị khai thác. Ý thức của du khách cũng cải tiến hơn nhiều, đây là điều đáng mừng cho một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng ở Hà Tĩnh nói riêng, khu vực Bắc Trung Bộ nói chung. Năm sau, khi hệ thống hạ tầng được xây dựng đồng bộ, Chùa Hương Tích Hà Tĩnh chắc sẽ đón nhiều du khách hơn nữa”, chị Mai chia sẻ.