Nỗi đau không đáng có
Tết là dịp mọi người nghỉ ngơi sau một năm miệt mài lao động vất vả. Chơi Tết, đón xuân cũng là dịp đại gia đình sum họp quây quần bên mâm cơm để hàn huyên, hỏi thăm, chúc tụng nhau một năm mới an khang, thịnh vượng, gặp nhiều may mắn và hạnh phúc.
Song, cũng chính từ những mâm cơm đầm ấm ấy, nhiều người đã không tự chủ được bản thân để “ma men” điều khiển dẫn đến những hành vi không đẹp như đánh nhau, vi phạm trật tự an toàn giao thông... tạo ra những nỗi đau mất mát không đáng có.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, chỉ tính riêng trong mấy ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, có tới hơn 3.400 trường hợp phải nhập viện do đánh nhau, trong đó 1.800 người phải điều trị nội trú, hàng chục người bị tử vong. Số vụ tai nạn giao thông (TNGT), số người chết và bị thương cũng tăng cao trong dịp Tết Kỷ Hợi. Ghi nhận của cơ quan chức năng cho thấy, có tới hàng chục nghìn nạn nhân do TNGT phải nhập viện trong mấy ngày nghỉ Tết. Đó là chưa kể số nạn nhân của những vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tai nạn sinh hoạt phải nhập viện điều trị cũng đạt con số hàng chục nghìn trường hợp.
Đáng nói, hầu hết những trường hợp phải nhập viện do TNGT, TNLĐ, đánh nhau... đều có nguyên nhân xuất phát từ việc mọi người vui quá đà, uống nhiều rượu bia, không làm chủ được hành vi dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Nếu như với những vụ TNGT đôi khi còn đổ lỗi cho khách quan như đường trơn trượt, thiếu biển báo, hay lỗi chủ quan của người khác là “bỗng dưng” họ đâm vào mình... Song, với những vụ đánh nhau thì chỉ có thể là lỗi chủ quan của cả 2 phía. Từ việc có tí “bỗng” trong người, dễ bị “bốc hỏa” với một sự việc nhỏ, người ta sẵn sàng gây gổ đánh nhau khi phát sinh mâu thuẫn.
Hàng năm, cứ mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì số nạn nhân phải nhập viện do đánh nhau, TNGT tăng cao do uống nhiều rượu, bia.
Nhiều trường hợp gây án mạng, hoặc là mất mạng, hoặc phải lâm vòng lao lý vì tước đi sinh mạng hay gây thương tích cho người khác. Song, những hệ lụy đó lại không khiến người ta biết sợ để tránh. Cứ mỗi khi tụ họp ngồi với nhau là không ít người kích bác nhau uống rượu cho đến say mèm để rồi gây gổ đánh nhau, hoặc lái xe lao ra đường gây tại nạn.
Theo các chuyên gia tâm lý, khi có hơi men người ta hưng phấn hơn bình thường, nếu nồng độ cồn trong cơ thể ở mức quá cao thì hệ thần kinh sẽ bị ức chế, thậm chí tê liệt không thể tự chủ dẫn đến những hành vi quá khích. Đó là lý do mà khi tranh luận ở trạng thái bình thường người ta có thể nhẫn nhịn, bỏ qua cho nhau, nhưng nếu trong cơ thể có rượu bia thì sẽ chấp nhất thái độ, hành vi của nhau, có những lời nói và cử chỉ làm tổn thương đối phương nhiều hơn, dẫn đến “nóng mắt” sinh sự ẩu đả.
Tương tự, nếu những người sau khi uống nhiều rượu bia không sinh sự đánh nhau mà lái xe ra đường cũng khó có thể làm chủ tốc độ, tuân thủ nghiêm túc các quy định về trật tự ATGT để rồi dẫn đến những hậu quả hết sức đau lòng.
Hệ lụy đau lòng của việc uống quá nhiều bia rượu không chỉ dừng lại ở việc gây gổ đánh nhau, gây TNGT, mà có nhiều trường hợp đã phải nhập viện do ngộ độc rượu, tổn thương gan, cảm lạnh, đột quỵ vì rượu... Mỗi năm cũng có đến hàng nghìn trường hợp phải nhập viện điều trị ngộ độc do uống phải rượu rởm, rượu có tỷ lệ cồn công nghiệp quá cao, xuất huyết dạ dày, trụy tim... sau những cuộc nhậu với bạn bè và người thân. Nhiều người đã mất mạng sau khi nhập viện, hoặc để lại thương tổn cả đời tạo ra gánh nặng cho gia đình, người thân và xã hội.
Vậy là thay vì du xuân ngắm cảnh, quây quần đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc với gia đình, bạn bè và người thân, nhiều người đã tự tước đi mạng sống của bản thân hay người khác vì một phút bốc đồng, thể hiện “bản lĩnh” uống rượu. Nếu như uống rượu chỉ khiến bản thân mất mạng, thương tổn cơ thể thì chỉ có một gia đình phải gánh chịu nỗi đau, còn nếu gây gổ đánh nhau hay gây TNGT thì nhiều gia đình phải đau khổ với sự mất mát, thậm chí tan nát do lỗi lầm không phải của họ, còn bản thân người gây ra sự việc thì phải đối mặt với pháp luật và những chế tài nghiêm khắc.
Từ những sự việc đau lòng trên, đã đến lúc mọi người cần tự ý thức lại bản thân để mỗi dịp Tết đến, Xuân về không còn là thảm họa mất mát, không còn những nỗi đau của bản thân, gia đình, người thân và bạn bè. Thay vì phải tiêu tốn hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả do uống quá nhiều rượu bia gây ra, ngân sách nhà nước sẽ được đầu tư cho những công trình phúc lợi công cộng, bệnh viện, trường học... đảm bảo an sinh xã hội, tạo đà phát triển kinh tế đất nước. Vậy nên đừng tự tạo nỗi đau cho bản thân, gia đình, người thân và rộng hơn là toàn xã hội.