VEC 'cấm' 2 ô tô đi trên cao tốc là vi hiến, trái luật
Việc từ chối phục vụ vĩnh viễn, cấm lưu thông vào cao tốc đối với 2 phương tiện không thuộc thẩm quyền của VEC.
Những hành khách trên chiếc xe 51G-772.56 dừng lại tại trạm thu phí trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Mấy ngày qua, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin VEC bị cướp tiền thu phí ở cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với số tiền báo cáo rất "mập mờ" chưa lắng xuống thì hôm qua (11/2) VEC E (đơn vị khai thác tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) lại tiếp tục thông tin sẽ từ chối phục vụ vĩnh viễn hai phương tiện đi trên các tuyến cao tốc do VEC khai thác, quản lý.
Chủ 2 xe bị từ chối phục vụ là ai?
Ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E), cho biết đơn vị vừa quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện có biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Được biết, ô tô biển số 51G-77256, mới đăng ký ngày 16/1/2019, chủ xe là ông Lê Hoàng Ph. (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM). Còn ô tô BKS 51A-55850, đăng ký ngày 16/4/2014, chủ xe là ông Hoàng Trọng Th. (ngụ quận 12, TP HCM). Cả hai xe này đều là ô tô 7 chỗ, không hoạt động kinh doanh vận tải.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc tuyến đường bộ cao tốc phía đông quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TP HCM nối QL51 và QL1A với chiều dài toàn tuyến 55 km.
Theo ông Tân, vào lúc 18h20 ngày 10/2, phương tiện mang biển kiểm soát 51A-55850 di chuyển vào làn thu phí số 7, hướng từ Long Thành - TP HCM. Khi đến cabin thu phí, mặc dù đã nhận được tín hiệu từ nhân viên thu phí nhưng người điều khiển phương tiện đã không trả Thẻ thu phí và trả tiền phí mà cố tình dừng tại làn thu phí. Ngay sau đó, người già, phụ nữ và trẻ em trên xe bước xuống cố tình "gây rối" tại làn thu phí, lôi kéo các phương tiện ở các làn khác chú ý, gây ách tắc giao thông cục bộ tại trạm thu phí.
Sau đó, các xe có biển số 51C-78196, 51G-77256 cũng thực hiện hành vi tương tự tại làn thu phí số 10, số 8. Nhằm tránh tình trạng kẹt xe nghiêm trọng nên nhân viên trạm thu phí đã mời các tài xế vào văn phòng của trạm để giải thích cụ thể, tránh ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác.
"Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện 51A-55850, 51G-77256 và những người đi cùng đã không tuân thủ hiệu lệnh của nhân viên điều khiển giao thông, có hành động phá hoại tài sản, có hành vi đe dọa đánh đuổi nhân viên điều khiển giao thông, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực", ông Tân nói.
Từ chối phục vụ là đúng luật hay vi hiến?
Nhận định về động thái của VEC E, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên BASICO cho rằng việc từ chối phục vụ lưu thông này là "vi hiến, trái pháp luật".
"Mọi người đều có thể đi lại ở bất cứ nơi đâu nếu pháp luật không hạn chế quyền đi lại. Chúng ta phải hiểu đây là đường công cộng của nhà nước chứ không phải đường của riêng VEC. VEC chỉ là đơn vị thi công mặt đường để thu phí chứ không phải là đơn vị sở hữu đường nên không bao giờ có quyền từ chối phục vụ", Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu chủ 2 xe ôtô có có hành vi gây rối an ninh trật tự, vi phạm quy định của pháp luật tại tuyến đường cao tốc thì các hành vi vi phạm này phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời nhưng phải đúng với quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, không thể xử lý tùy tiện.
Ông Đức chỉ ra, việc quản lý, khai thác đường cao tốc hiện nay được quy định cụ thể tại Nghị định 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc và Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT (sửa đổi theo Thông tư số 45/2018/TT-BGTVT). Theo đó, Cơ quan quản lý đường cao tốc là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đơn vị được giao tổ chức khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc là chủ thể trực tiếp thực hiện việc khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc, được xác định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi thông qua Hợp đồng với Cơ quan quản lý đường cao tốc hoặc với Nhà đầu tư đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác hợp tác công - tư (PPP).
Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc là doanh nghiệp dự án đối tác công tư và doanh nghiệp được nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình đường cao tốc.
"Qua đó có thể thấy VEC hay VECE không phải là cơ quan quản lý đường cao tốc mà chỉ là đơn vị khai thác, đầu tư xây dựng và quản lý, bảo trì công trình đường cao tốc, có quyền lợi và nghĩa vụ trên cơ sở hợp đồng, không có chức năng và thẩm quyền quản lý nhà nước đối với việc khai thác, quản lý đường cao tốc; không có thẩm quyền xử phạt vi phạm", luật sư Đức nêu.
Do đó, luật sư nhận định việc VECE thay mặt VEC thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác là không có cơ sở thuyết phục, không có cơ sở cho thấy họ có thẩm quyền và chức năng để thực hiện việc này.