[ẢNH] Về Thị Cấm xem thi nấu cơm
Ngày 12/2 (tức mùng 8 tháng Giêng), lễ hội thổi cơm thi làng Thị Cấm đã diễn ra tưng bừng tại sân đình Thị Cấm, Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Lễ hội thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách.
Truyền thuyết kể lại rằng, từ đời Hùng Vương thứ 18, ở phía Bắc, quân nhà Thục sang xâm lược nước ta. Trước lúc Tổ quốc đang lâm nguy, Vua Hùng Vương giao sứ mệnh lịch sử cho một vị tướng là Phan Công Tây Nhạc Đại Vương vừa có tài, vừa có đức cầm quân đi dẹp giặc.
Các đội thi chuẩn bị tước những thanh nứa để thổi cơm.
Giữa lúc giao chiến với quân giặc ở thời điểm gay go và ác liệt nhất thì quân lương của Phan Công đã cạn kiệt. Cũng vào lúc này, đội quân của ông đang hành quân qua địa hạt thổ nhỡn làng Canh, vì vậy Phan Công Đại Vương đã kêu gọi nhân dân làng Thị Cấm chi viện quân lương, đồng sức đồng lòng cùng quân đội chống giặc.
Với lòng yêu nước, dân làng Thị Cấm đã đáp ứng lời kêu gọi của Phan Công chi viện người, của, lương thực tuyển chọn người tài về hậu cần. Toàn thể dân làng Thị Cấm từ già, trẻ, gái, trai, người chạy đi lấy nước, người giã thóc để thành gạo, người kéo lửa để lấy lửa. Trong giây lát, dân làng Thị Cấm đã có đủ cơm nước cho quân đội của Phan Tây Công Nhạc Đại Vương.
Những người chơi cùng với dân làng bện rơm để lót cối khi giã gạo.
Sau đó, tướng Phan Công cảm tạ tấm lòng yêu nước của dân làng và đã cho dân làng Thị Cấm bốn chữ: "Hộ Quốc Dân An".
Sau khi chiến thắng quân giặc, đất nước thái bình, trăm họ được yên vui, tướng Phan Công không quên công ơn của dân làng. Ông trở lại nơi đây, thấy dân hiền, đất lành, có thủy có trung, có nghĩa, có nhân, giàu lòng yêu nước nên đã ngự lại mảnh đất này.
Ông dạy dân làng làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải giúp cho nơi đây ngày càng thịnh vượng. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về hoa đào khoe sắc, đến ngày 8 tháng Giêng cho dân làng mở hội: "Hội thi kéo lửa thổi cơm thi" để tưởng nhớ ngày tình dân quân một lòng cứu nước diệt giặc.
Ban tổ chức chia đều thóc cho các đội tham dự để tranh tài.
Có tất cả 4 đội thi tương ứng với 4 giáp tham gia lễ hội. Mỗi đội thi cử ra một thiếu niên tham gia thi chạy đến bờ sông Nhuệ lấy nước về nấu cơm, tuy nhiên để đảm bảo chất lượng nguồn nước, ban tổ chức thường lấy nước đã được đun sôi để nấu cơm.
11h, phần thi kéo lửa bắt đầu. Bộ kéo lửa là chiếc bùi nhùi đã chuẩn bị sẵn gồm rơm, đoạn tre đực già dùi sẵn những khe nhỏ và một que giang đánh lửa. 4 thanh niên trai tráng, 2 người ghì chặt thanh tre già vào bó rơm, 2 thanh niên còn lại dùng tay kéo thanh giang cưa nhanh và mạnh liên tục vào thanh tre để tạo ma sát.
Chỉ sau vài chục giây, ma sát đã đốt nóng thanh tre tạo ra lửa và bén vào bó rơm. Các thành viên thổi vào bó rơm để lửa bén to hơn. Đội nào phát khói và tạo ra lửa sớm nhất sẽ giành chiến thắng trong phần thi này.
Công việc tiếp theo là của những người đàn ông khỏe mạnh, cho thóc vào cối đá và giã.
Tiếp đó, những người phụ nữ khéo tay nhất được lựa chọn cho phần thi thổi cơm.
Sau khi giã xong, gạo được sàng sảy, nhặt sạn và vo sạch sẽ để loại bỏ trấu.
Những nồi cơm bằng đất nung, sau khi cơm sôi, các đội thường phải ủ bằng tro rơm khoảng 20 phút cho cơm chín đều.
Trong thời gian ủ, thành viên các đội liên tục đốt thêm rơm để nhiệt lượng cho cơm chín nhanh hơn.
Sau khoảng 30 phút, ban giám khảo đi chọc từng đống rơm để tìm 4 nồi cơm. Một số đội tìm cách câu giờ, dẫn ban giám khảo đi lòng vòng cho cơm kịp chín.
Để chọn được niêu cơm ngon nhất, các bô lão trong làng căn cứ vào mùi thơm, độ trắng và độ dẻo của hạt cơm. Nồi cơm ngon nhất sẽ được đưa lên cúng Thành hoàng. Sau khi kết thúc hội thi, các đội chia cơm cho dân làng để cầu mong một năm no đủ, an lành.
Sau khi tìm đủ 4 nồi cơm, ban giám khảo sẽ xới 4 bát để dâng lên Thành hoàng làng.
Ngay sau khi công bố đội chiến thắng, thành viên các đội và người dân nhanh tay bốc một nắm cơm để lấy lộc đầu năm.
Tổ 3 đã đoạt Giải Nhất thi kéo lửa với thời gian là 22 giây.
Tổ 4 đã đoạt Giải Nhất cuộc thi thổi cơm.