Môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2019, cả nước có 10.079 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 151,1 nghìn tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm trước số DN thành lập mới có giảm khoàng 7%, nhưng về số vốn đăng ký lại tăng trên 53%. Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh đã có nhiều khởi sắc, các DN có động lực để mở rộng quy mô, phát triển kinh doanh.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, nếu tính cả 484 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong tháng 1 vừa qua là 635,1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 8.465 DN quay trở lại hoạt động, tăng 84,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong tháng 1 năm nay lên hơn 18,5 nghìn DN. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong tháng là 107,9 nghìn người, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng ấn tượng cho thấy, ngay trong tháng đầu năm mới này, cả nước không chỉ đón thêm hàng nghìn DN, mà những DN này còn lớn mạnh hơn. Điều này cũng chính là minh chứng để thấy rằng, môi trường kinh doanh đã thực sự khởi sắc sau hàng loạt các động thái tháo gỡ khó khăn, cắt giảm điều kiện kinh doanh từ phía nhà quản lý.
Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều chủ DN tư nhân, môi trường kinh doanh cho dù đã có những cải thiện nhất định, song vẫn tồn tại những rào cản ngầm, một trong số đó phải kể đến tình trạng phí bôi trơn vẫn còn tồn tại, hay tình trạng thanh tra kiểm tra quá nhiều cũng khiến cho các DN khó hoạt động yên ổn.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, với đường lối và chính sách đúng đắn của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng trở nên thuận lợi hơn, nhiều rào cản, điều kiện kinh doanh phi lý, không cần thiết đã được gỡ bỏ, tạo thuận lợi hơn cho DN phát triển. Đáng chú ý, nhiều thủ tục đã được công nghệ hóa, thực hiện trực tuyến giúp các DN tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí, phương tiện vận chuyển…Tuy nhiên, trong năm 2019 này, các rào cản cần tiếp tục được tháo gỡ. Trong đó, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cần phải tập trung vào các giải pháp giảm chi phí cho DN. Những chi phí rườm rà, ngoài luồng, các loại phí bôi trơn… cần phải được triệt tiêu vì chính những chi phí này kéo giảm sức cạnh tranh của DN. Đáng chú ý, các loại chi phí về giao thông vận tải, logistics, các loại thủ tục xuất nhập khẩu chuyên ngành đang là những gánh nặng trên vai các DN rất cần được nhà quản lý tháo gỡ.