Hóa thạch muỗi truyền bệnh sốt rét trong hổ phách 100 triệu năm
Xác một con muỗi được cho là tổ tiên của muỗi Anophene chuyên truyền bệnh sốt rét ngày nay vẫn nguyên vẹn trong khối hổ phách sau 100 triệu năm.
Khối hổ phách 100 triệu năm lưu giữ xác muỗi cổ đại. Ảnh: IFL Science.
Nhóm nghiên cứu ở Đại học Oregon, Mỹ, xác định mẫu vật thuộc về một loài muỗi mới và đặt tên cho nó là Priscoculex burmanicus. Khối hổ phách được tìm thấy trong mỏ đá ở Myanmar, có niên đại từ giữa kỷ Phấn trắng. Dù loài muỗi này hoàn toàn mới, nó có nhiều đặc điểm giống muỗi Anophene ngày nay chuyên truyền bệnh sốt rét.
P. burmanicus và muỗi Anophene có mạng cánh, râu, bụng và vòi giống nhau. Điều này chỉ ra loài muỗi mới phát hiện có cùng dòng dõi với muỗi Anophene và có thể truyền bệnh sốt rét từ 100 triệu năm trước. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Historical Biology.
"Những con muỗi có thể là vật trung gian truyền bệnh sốt rét ở thời điểm đó, nhưng đây vẫn là một câu hỏi mở", nhà nghiên cứu George Poinar Jr. ở Đại học Oregon, cho biết. "Ở thời cổ đại, tổ tiên của muỗi Anophene có thể đốt chim, động vật có vú nhỏ và bò sát như ngày này".
Bệnh sốt rét do một số ký sinh trùng thuộc chi Plasmodium gây ra. Khi muỗi cái nhiễm ký sinh trùng đốt người và động vật để hút máu, chúng đồng thời truyền bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh sốt rét, đặc biệt là người dân sống ở khu vực cận sa mạc Sahara ở châu Phi. Bệnh sốt rét có thể điều trị nhưng chưa có vắcxin phòng bệnh hiệu quả. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm phun thuốc diệt muỗi và mắc màn.
Nghiên cứu cũng làm sáng tỏ cách muỗi Anophene lan rộng trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu tổ tiên của chúng vượt qua Gondwana, một siêu lục địa cổ đại, trước khi phân tán ở châu Phi, Nam Mỹ, Madagascar, Ấn Độ, Australia, Nam Cực và Arab. Việc tìm hiểu về quá trình tiến hóa của bệnh sốt rét cũng như mối liên hệ với loài muỗi có thể giúp các nhà khoa học rút ra phương pháp mới để đối phó với căn bệnh này.
Theo Vnexpress