Nâng cao công tác kiểm tra văn bản
Đánh giá về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp Đồng Ngọc Ba cho biết, riêng trong 2018 Cục đã tiến hành kiểm tra 5.557 văn bản (648 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, 4.909 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh), phát hiện và đã kết luận kiểm tra đối với 84 văn bản sai về thẩm quyền, nội dung (27 văn bản cấp bộ và 57 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh).
Tính đến ngày 21/12/2018, có 52/84 văn bản đã được xử lý, 32 văn bản chưa xử lý (trong đó có 21 văn bản trong thời hạn xử lý).
“Kết quả kiểm tra, xử lý văn bản cho thấy, trong năm 2018, việc thực hiện công tác này trên cả nước đã góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực đến xã hội, người dân, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển” – ông Ba nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo ông Đồng Ngọc Ba, số lượng văn bản nợ đọng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực vẫn còn. Vẫn còn một số VBQPPL ban hành sai về thẩm quyền, nội dung. Tính khả thi của một số quy định pháp luật còn thấp; việc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật còn là thách thức lớn. Trong khi đó, việc tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều Bộ, ngành, địa phương còn chưa hiệu quả. Vẫn còn khá nhiều văn bản trái pháp luật chưa được xử lý kịp thời; việc xem xét, xử lý trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản trái pháp luật và khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra còn gặp khó khăn.
Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh Chương trình năm 2019, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Chương trình năm 2020 dự kiến Đề nghị của Chính phủ gồm 10 dự án, trong đó 4 dự án được gối từ Chương trình năm 2019 sang và 6 dự án đề xuất mới (Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường).
Còn về điều chỉnh Chương trình năm 2019, đề nghị rút khỏi 2 dự án (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai); đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; đề nghị bổ sung 5 dự án (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi, Pháp lệnh Gìn giữ hòa bình thế giới, Luật sửa đổi một số Luật để thực thi Hiệp định CPTPP).
Trước thực tế xin lùi, xin bổ sung cũng như chất lượng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều hạn chế, tại hội nghị đánh giá việc thực thi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp cần thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời ưu tiên việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương về tổ chức bộ máy, cải cách tiền lương…
Bên cạnh đó để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật và khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật trong thời gian tới, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương thực hiện các các giải pháp như quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là một bộ phận quan trọng, thiết yếu của công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản QPPL; …