Ẩn số mới với NATO

Khánh Duy 14/02/2019 07:00

Các nước đồng minh của Mỹ cho hay, họ sẽ tận dụng cuộc họp các Bộ trưởng của NATO trong tuần này để xem liệu ông Patrick Shanahan- quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - có quan điểm ủng hộ khối đồng minh này như những người tiền nhiệm của ông hay không như nhiều chuyên gia và quan chức châu Âu hôm 13/2 cho hay.

Ẩn số mới với NATO

Ông Patrick Shanahan, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

“Người chưa được biết đến”

Ông Shanahan- một cựu Giám đốc điều hành Hãng Boeing thường chỉ tập trung vào các vấn đề nội bộ sau khi gia nhập Lầu Năm Góc kể từ tháng 7/2017, đã đảm đương vị trí mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis để lại từ ngày 1/1/2019.

Trước đó, ông Mattis đã đệ đơn từ chức do bất đồng quan điểm về chính sách với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong bức thư từ chức, ông Mattis đã đề cập tới sự chia rẽ không thể khắc phục giữa ông và ông Trump, và ngầm chỉ trích Tổng thống vì không quý trọng các đồng minh - các bên đã chiến đấu sát cánh cùng Mỹ trong nhiều cuộc chiến. Trong bức thư, ông Mattis 2 lần nhắc tới NATO.

Ông Shanahan, người từng là cấp phó của ông Mattis, chưa từng được biết đến trong giới chính sách ngoại giao, bởi vậy mà các đồng minh của Mỹ đang rất muốn hiểu quan điểm của ông như thế nào về sự cần thiết của khối đồng minh NATO.

Cho tới đầu tuần này, ông Shanahan vẫn chưa từng một lần tới Afghanistan hay Iraq, nơi mà Mỹ vẫn còn đồn trú khoảng 19.000 binh sỹ.

Trả lời phỏng vấn của Hãng Reuters, một nhà ngoại giao giấu tên của NATO tại châu Âu nói rằng, họ hy vọng ông Shanahan là người mà họ có thể tin tưởng và hợp tác. “Trước kia, ông Mattis là một trong số ít các quan chức cấp cao thuộc chính quyền Trump mà chúng tôi có thể dựa vào”- vị quan chức cho hay - “Nói thực, chúng tôi chưa hề biết đến ông Shanahan”.

Dù Tổng thống Trump nói rằng ông Shanahan đang làm rất tốt công việc của mình, nhưng không có gì chắc chắn rằng nhân vật này chính thức được đề cử vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông Shanahan hiện vẫn đang giữ vị trí quyền Bộ trưởng Quốc phòng từ đầu năm. Người từng giữ vị trí quyền Bộ trưởng Quốc phòng lâu nhất là ông William Taft với thời gian 60 ngày. Trong một tín hiệu đưa ra mới đây, Chủ tịch của Ủy ban Các lực lượng vũ trang Thượng viện Mỹ nói rằng, ông không nghĩ Tổng thống Trump sẽ chính thức đề cử ông Shanahan.

Đồng minh hoang mang

Ông Derek Chollet- cựu quan chức Lầu Năm Góc, nói rằng sẽ không công bằng nếu kỳ vọng ông Shanahan trấn an được các đồng minh đang lo ngại của Mỹ, đặc biệt khi ông mới chỉ là quyền Bộ trưởng Quốc phòng.

Hôm 13/2, trả lời phỏng vấn Hãng Reuters, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói rằng ông Shanahan sẽ ủng hộ NATO trong các bài phát biểu mà ông đưa ra tại Brussels (Bỉ) sắp tới. “Thông điệp được đưa ra sẽ nhằm đảm bảo và xây dựng lòng tin cho khối đồng minh của chúng ta, rằng nước Mỹ vẫn giữ vững cam kết với khối đồng minh”- vị quan chức trên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị quan chức cũng thêm rằng, ông Shanahan sẽ tiếp tục thúc giục các nước đồng minh trong khối chia sẻ gánh nặng đóng góp với Mỹ và đáp ứng các cam kết quốc tế của họ - một đề nghị mà Tổng thống Trump liên tục đưa ra.

Hiện nay, các đồng minh của Mỹ đang tìm kiếm sự đảm bảo về một số chính sách quan trọng, trong đó bao gồm tương lai của NATO ở Syria và Afghanistan, kế hoạch rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ ký kết với Nga năm 1987.

Tháng 12/2018, Tổng thống Trump từng khiến cả đội ngũ cố vấn an ninh và các đồng minh của Mỹ bất ngờ khi đưa ra quyết định rút 2.000 binh sỹ Mỹ khỏi Syria. Sắp tới, ông Shanahan sẽ phải tổ chức họp với nhóm các Bộ trưởng Quốc phòng ở Munich (Đức) để bàn về kế hoạch này.

Về vấn đề Afghanistan, giới chức Mỹ đã tổ chức một vài vòng đàm phán với lực lượng Taliban ở Qatar và xem đó là nỗ lực hòa bình thực sự. Thế nhưng, các vòng đàm phán này lại làm nảy sinh sự bất an trong số các nước châu Âu, khiến họ đặt ra câu hỏi về sứ mệnh của NATO ở Afghanistan, trong khi một số nước cũng đang cân nhắc về sự hiện diện quân sự của họ ở nước này.

Giới chức quốc phòng Mỹ cho hay, ông Shanahan cũng sẽ đối thoại với các đồng minh về vấn đề kiểm soát vũ trang, sau khi Mỹ hồi đầu tháng này tuyên bố rút khỏi INF trong vòng 6 tháng tới trừ khi Nga chấm dứt “các hoạt động vi phạm hiệp ước”.

Khánh Duy