Người dân Quảng Nam được mùa ốc gạo đầu năm
Sau những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, người dân dọc ven biển tỉnh Quảng Nam lại vào vụ mùa ốc gạo (ốc ruốc), bà con tập trung ra bờ biển hái lộc biển ban tặng.
Người dân xã Tam Thanh ngâm mình trong nước biển để cào ốc gạo.
Đến hẹn lại lên, sau Tết, nhiều người dân ven biển ở các xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ), xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải (huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam tay cầm thùng, vợt ra khu vực ven biển gần bờ đề cào gốc gạo.
Đánh vật với những cơn sóng biển, vợ chồng bà Trần Thị Hồng, (trú thôn Hạ Thanh 2, xã Tam Thanh) chăm chỉ cào ốc gạo ở ven biển Tam Thanh.
Đưa tay lau mô hồi hai bên gò má, bà Hồng nói: “Hằng ngày, vào sáng sớm, hai vợ chồng tôi thường ra khu vực ven biển Tam Thanh để cào ốc gạo. Sau khi ăn Tết xong, vợ chồng tôi tranh thủ cầm theo các dụng cụ như cào tre, lưỡi cào và một tấm lưới để đựng ốc ra bãi biển cào ốc. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng tôi cào được hơn 15 thùng ốc gạo, mỗi thùng ốc gạo nặng khoảng 20-25 kg, thương lái mua với giá 100 ngàn đồng/thùng. Nhờ vậy, những ngày đầu năm, vợ chồng tôi cũng kiếm được số tiền vài triệu đồng để đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt trong gia đình và lo cho các con cái ăn học”.
Các bao ốc gạo được bán cho thương lái đưa lên xe tải.
Theo bà Hồng, để cào ốc gạo bà phải dùng tay cầm vợt cắm xuống dưới lớp cát và đi về phía trước đến khi nào thấy nặng là vớt lên, rũ lớp cát rơi xuống là còn lại ốc trong vợt. Cào ốc gạo còn tuy thuộc vào thời tiết, khi ít sóng biển và con nước biển lên xuống.
Còn vợ chồng ông Nguyễn Văn Hùng, (trú xã Tam Tiến) cho biết: “Trong ngày hôm nay (14/2), hai vợ chồng tôi bắt đầu vác đồ nghề đi mò ốc gạo từ 2h sáng. Đến 10h là vợ chồng tôi cào được hàng chục thùng ốc gạo, mỗi thùng ốc gạo tôi bán cho thương lái được 100 ngàn đồng. Năm nay, ốc gạo được mùa nên tôi và bà con địa phương đã tranh thủ đi cào ốc gạo để kiếm thêm thu nhập”.
Theo các thương lái mua ốc gạo ở TP Tam Kỳ, vào khoảng 6-7h sáng hằng ngày, mọi người đã tập trung xuống các bãi biển Tam Thanh, Tam Tiến để đừng chờ người dân đi cào ốc gạo đem lên bán. Sau khi thu mua xong ốc gạo, thương lái chở đi bán lại tại các điểm bán ốc gạo ở các huyện, thành phố trong tỉnh.