Đồng ruộng cần doanh nghiệp
Việc mới đây tỉnh Thái Bình công bố quy hoạch, triển khai thực hiện dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp tạo ra nhiều cảm hứng tích cực cho đời sống nông nghiệp, nông thôn.
Dự án được triển khai tại huyện Quỳnh Phụ, trên diện tích 200 ha, hướng tới mục đích xây dựng, thực hiện chuỗi sản xuất khép kín với sản phẩm đầu ra nhiều hạng mục được kỳ vọng góp phần làm thay đổi hoạt động sản xuất nông nghiệp không chỉ cho tỉnh Thái Bình mà cho cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ theo hướng hiện đại.
Nền nông nghiệp nước nhà đang chuyển mình. Tuy nhiên, một nền nông nghiệp tiên tiến vẫn còn là kỳ vọng. Nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp còn rất nhỏ lẻ, manh mún, đi liền là năng suất lao động, hiệu quả kinh tế thấp. Sản phẩm không đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Rõ nhất là đời sống của nhiều hộ nông dân vẫn còn rất khó khăn dù phải đổ nhiều mồ hôi trên đồng ruộng. Thay đổi, phát triển nền nông nghiệp nước nhà; nông dân không còn quá khổ cực, có thể sống sung túc bằng đồng ruộng ngay tại làng quê của mình...là mong muốn, khát vọng của người Việt từ nhiều đời nay...
Vậy thỉ lực lượng nào có thể đánh thức, tạo ra sức bật cho các cánh đồng? Lực lượng nào có đủ các điều kiện để làm ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ bằng công nghệ cao, đưa nông sản Việt vươn mạnh, vươn xa ra thế giới rộng lớn như định hướng đã được xác lập? Câu trả lời trong bối cảnh hiện nay chính là các doanh nghiệp. Bởi, chỉ có doanh nghiệp mới có khả năng kết nối đồng ruộng với khoa học, công nghệ; kết nối sản phẩm nông nghiệp với thị trường; có khả năng tổ chức sản xuất được theo hướng tập trung, quy mô lớn, hiện đại, thay thế phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu hiện nay, điều tự thân các hộ nông dân không thể làm được.
Có vai trò quan trọng, cần thiết như vậy nên sự hiện diện của doanh nghiệp trên đồng ruộng là một tín hiệu rất đáng mừng. Nhìn theo hướng đó, xã hội càng tin tưởng, kỳ vọng vào sự thay đổi của đời sống tam nông khi thời gian qua được chứng kiến nhiều doanh nghiệp về đầu tư, trong đó có cả những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Còn nhớ, cách nay chưa lâu, qua một hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh Thái Bình đã thu hút được 33 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với tổng số vốn đăng ký gần 26.000 tỷ đồng; trong đó có Dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp Đồng bằng Bắc Bộ nói trên. Nhìn rộng hơn thì thấy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đang trở thành một xu thế. Vai trò trung tâm của nông dân trong sản xuất nông nghiệp đang dần được thay thế bằng vai trò của doanh nghiệp...
Tin tưởng, kỳ vọng nhưng cũng cần phải minh định rõ: Nông dân, đồng ruộng cần doanh nghiệp về liên kết đầu tư, chia sẻ lợi ích chứ không phải về để “đẩy” họ ra khỏi thửa ruộng, làng quê của mình. Nói điều này là bởi, nhiều dự án nông nghiệp do doanh nghiệp đầu tư hiện nay chưa đảm bảo được tinh thần này. Đơn cử, nhìn vào một số dự án nông nghiệp do doanh nghiệp đầu tư ở một số tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình...thì thấy tính liên kết chưa được thể hiện.
Theo đó, dưới sự bảo trợ của chính quyền, nông dân cho doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng ruộng đất. Sau khi có đất, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, tổ chức sản xuất. Một số ít người có ruộng đất cho thuê được doanh nghiệp thuê lại, vào làm việc trong các dự án nông nghiệp. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân ở đây đơn thuần chỉ là quan hệ giữa người có đất và người đi thuê. Với số ít nông dân được doanh nghiệp thuê lại làm công nhân nông nghiệp, quan hệ giữa hai bên đơn thuần chỉ là giữa người làm thuê và ông chủ. Ở một nghĩa nào đó, nếu mô hình này được nhân rộng, không khó nhận ra sẽ có nhiều nông dân sẽ bị đẩy ra khỏi đồng đất, làng quê của mình dù thực tế họ vẫn đang hiện diện nhưng xung quanh làng quê là những tấm biển “không phận sự miễn vào”. Khi đó, những vấn đề xã hội phát sinh sẽ là không ít...
Vậy nên, cùng với việc tháo gỡ những khó khăn, trở ngại của doanh nghiệp trên đường tìm về với nông nghiệp, nông thôn, nhất là những khó khăn, vướng mắc về đất đai, chính sách thì chính quyền các địa phương cần làm tốt vai trò “gác cổng”, “chặn đứng” những doanh nghiệp có ý đồ trục lợi trên những cánh đồng, phớt lờ số phận của những hộ dông dân; mở cửa, chào đón những doanh nghiệp thực sự mong muốn đồng hành, chia sẻ cùng nông dân, cả những khó khăn và lợi ích.