Côn trùng trước nguy cơ tuyệt diệt
Các loài côn trùng vốn sinh tồn rất mạnh, nhưng giờ đây giới khoa học đang lo ngại về việc chúng sẽ sớm tuyệt diệt. Và vấn đề còn trở nên nghiêm trọng hơn khi đây còn là dấu hiệu cảnh báo về một tương lai bất ổn cho nhân loại.
Loài bướm cũng giảm sút nghiêm trọng trong khoảng 50 năm qua Nguồn: AP.
Nhiều loài côn trùng sắp tuyệt chủng
Mới đây, tạp chí khoa học Biological Conservation đã công bố nghiên cứu, trong đó chỉ ra rằng hơn 40% tổng số loài côn trùng trên thế giới có thể bị tuyệt chủng trong thế kỷ tới. Hiện nay, số lượng các loài côn trùng trên toàn cầu đang giảm với tốc độ 2,5%/năm. Loài bướm, ong, chuồn chuồn và các loại bọ nằm trong số các loài chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó khoảng 1/3 tổng số lượng ở mỗi nhóm đang giảm với tốc độ nguy hiểm.
Theo nghiên cứu mới, việc lạm dụng thuốc trừ sâu, mở rộng đô thị và biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra tình trạng trên. “Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời, nó sẽ gây ra thảm kịch cho các hệ sinh thái trên Trái đất và đe dọa sự sống còn của nhân loại”- TS Sanchez Bayo thuộc ĐH Sydney, Australia, cho hay.
Côn trùng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với hệ sinh thái toàn cầu bởi chúng giúp cây cối thụ phấn và là nguồn thức ăn cho chim, bò sát cùng nhiều loài động vật khác. Bởi vậy mà số lượng côn trùng giảm có thể gây ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn trên hành tinh, đe dọa tới sự tồn vong của hàng trăm chủng loài mà con người cần có để sống sót.
“Nếu nguồn thức ăn này biến mất, nhiều loại động vật sẽ bị chết đói”- TS Bayo nói.
Thực hiện bản báo cáo này là các nhà nghiên cứu đến từ các Trường ĐH Sydney, Queensland và Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc. Họ kết hợp 73 nghiên cứu khác nhau về côn trùng được thực hiện trong suốt 30 năm qua ở nhiều nước, trong đó có Liên minh châu Âu (EU).
Kết quả thu được cho thấy, trong vòng 3 thập kỷ qua, tổng số lượng côn trùng trên Trái đất giảm 2,5% mỗi năm. Xét tổng thể, 41% tổng số loài côn trùng đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng trong thế kỷ tới, trong khi 1/3 số loài côn trùng khác bị đe dọa nghiêm trong.
Các con số mà nghiên cứu đưa ra còn cho thấy, có 53% tổng số loài bướm đã giảm trong thập kỷ qua, trong khi 46% số lượng ong đang bị đe dọa tới sự sống. Hơn 1/3 số lượng chuồn chuồn đã biến mất. Cho rằng, tình trạng này đã gây sốc cho giới khoa học, Tiến sỹ Sanchez nói: “Tốc độ giảm cực kỳ nhanh. Trong vòng 10 năm, các bạn sẽ chứng kiến lượng côn trùng giảm tới 1/4, và chỉ trong 50 năm, chúng sẽ giảm tới một nửa, và 100 năm nữa, có khi chúng sẽ biến mất hoàn toàn”.
Điều gì xảy ra khi côn trùng biến mất?
Côn trùng biến mất có thể là tin vui cho một số người ghét chúng nhưng lại là tin buồn cho cả hệ sinh thái toàn cầu, bởi chúng có vai trò tối quan trọng trong mắt xích tự nhiên. Chúng là nguồn thức ăn ổn định cho rất nhiều loài động vật, là loài thụ phấn cho thực vật và tái chế dinh dưỡng cho đất.
Vào tháng 11 năm ngoái, tờ New York Times của Mỹ từng đăng tải một bài viết về vấn đề này, trong đó đặt ra câu hỏi của các nhà khoa học: “Hãy thử tưởng tượng một thế giới không có côn trùng”. Họ đã đi tìm câu trả lời, và tất cả những gì họ tìm ra đều dẫn đến một kết cục “hỗn loạn, sụp đổ và tận thế” cho hệ sinh thái.
“Đó sẽ là một thế giới nơi thực vật không có hoa, những cánh rừng thì im lìm chết chóc, một thế giới của phân, lá già và xác chết mục nát tích tụ trong các thành phố và lề đường. Nói cách khác, đó là một thế giới sụp đổ và suy tàn”- tờ New York Times viết.
Việc mất môi trường sống vì nông nghiệp thâm canh là nguyên nhân hàng đầu của sự suy giảm số lượng côn trùng. Tình trạng sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, biến đổi khí hậu và các loài xâm lấn cũng được xác định là nguyên nhân quan trọng.
“Trừ khi chúng ta thay đổi cách sản xuất thức ăn, không thì toàn bộ côn trùng sẽ đi vào con đường tuyệt chủng trong một vài thập kỷ. Và khi đó thảm họa cũng sẽ đến với môi trường sống của chúng ta”- các tác giả bản nghiên cứu mới cho biết.
Đứng trước nguy cơ côn trùng bị tuyệt chủng, giới khoa học đã kêu gọi thế giới có hành động cụ thể ngay lập tức để đảo ngược vấn đề này. “Chúng ta cần có hành động ngay tức khắc, bằng không sẽ đối mặt với kết cục thảm họa. Côn trùng tuyệt chủng sẽ gây ra hậu quả là các hệ sinh thái toàn cầu bị sụp đổ, từ đó ảnh hưởng tới sự tồn vong của nhân loại”- các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh.
Trong khi đó, các nhà bảo tồn thiên nhiên cảnh báo rằng, nhân loại cần phải cân nhắc về cách sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng cùng nhiều loại hóa chất khác.