Bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng
Từ sau dịp nghỉ Tết tới nay, thời tiết giao mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều mầm bệnh có cơ hội sinh sôi, phát triển, điển hình là dịch sởi và sốt xuất huyết (SXH) xuất hiện song hành cùng nhau, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng. Ghi nhận tại các bệnh viện, bệnh nhân nhập viện vì SXH vẫn không ngừng gia tăng dù thời điểm hiện tại đã là cuối mùa dịch.
Ông Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 6.733 ca SXH, tăng 249% so với cùng kỳ năm ngoái (1.931 ca). Như vậy, tính thời điểm hiện nay bệnh SXH đã rơi vào cuối mùa dịch (2018 – 2019), số ca mắc cũng đang có xu hướng giảm hàng tuần, tuy nhiên vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Thực tế cho thấy, mặc dù các ca nhập viện vì SXH gia tăng nhưng nhiều người vẫn có suy nghĩ chủ quan, cho rằng bệnh chủ yếu chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc nhầm lẫn triệu chứng của SXH với những bệnh lý như sốt, cảm thông thường…
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính- Giám đốc BV bệnh Nhiệt đới trung ương, đối tượng có thể mắc SXH bao gồm cả người lớn lẫn trẻ em. Tuy nhiên ở miền Bắc, những trường hợp tử vong do SXH đa số rơi vào người lớn. SXH ở người lớn và trẻ em rất khác nhau. Trẻ em bị SXH có biểu hiện sốc nhiều hơn xuất huyết, trong khi người lớn thì ngược lại, xuất huyết nhiều hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn; xuất huyết não, suy đa tạng (suy gan, suy thận, trụy tim mạch).
Vì thế, để hạn chế những rủi ro không đáng có, các chuyên gia khuyến cáo nếu người dân bị sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày thì nên nghĩ đến khả năng mắc SXH. Bệnh có biểu hiện rõ rệt từ ngày thứ 2, thứ 3 với triệu chứng xuất huyết tự nhiên dưới da hoặc ở niêm mạc. Khi xuất huyết dưới da, bệnh nhân có nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước 2 cẳng chân và mặt trong 2 cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Khi xuất huyết ở niêm mạc, bệnh nhân bị chảy máu mũi, lợi, đôi khi xuất huyết ở kết mạc, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Đặc biệt, bệnh nhân còn bị gan to. Các chuyên gia cũng lưu ý, khi bệnh nhân có các biểu hiện như vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, tiểu ít là dấu hiệu của bệnh nặng lên. Lúc này, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
BSCKII Nguyễn Thanh Phong- Trưởng khoa Nhiễm D, BV bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, thường sau tháng 1 là chu kỳ đi xuống của bệnh SXH nhưng hiện tại, số ca mắc tại khoa vẫn luôn ở mức cao.
SXH là bệnh truyền nhiễm, chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó để chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà.