Kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại

L.Bình 20/02/2019 04:15

Chiều 19/2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có cuộc làm việc với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (389).

Kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tuy đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản, tình trạng buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá điếu, rượu, điện thoại di động, hàng tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới phía Bắc và Tây Nam có dấu hiệu gia tăng; các vụ việc phát hiện, xử lý trong năm 2018 chủ yếu là các vụ việc nhỏ, xử lý chỉ dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê, chưa có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng lợi dụng chính sách thông thoáng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm…

Chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại trên, Phó Thủ tướng cho rằng, do chúng ta chưa huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, người đứng đầu các cơ quan, địa phương chưa quyết liệt, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả,... Bên cạnh đó, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế, có biểu hiện “cát cứ”, tránh va chạm,...

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 phải luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao. Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng để rà soát các qui định của pháp luật, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách không để các đối tượng lợi dụng khoảng trống, sự chồng chéo của pháp luật để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng. Tham mưu hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến công tác điều hòa, phối lực lượng liên ngành, công tác chia sẻ thông tin. Cần chủ động nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, các hiệp hội ngành, nghề, các cơ quan thông tấn báo chí,... để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hành vi tiêu cực, tiếp tay của cán bộ, công chức.

L.Bình