Sau Tết, mặt bằng giá ổn định

Minh Phương 21/02/2019 08:00

Trái với quy luật hàng năm, thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại TP Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cũng như sau rằm Tháng Giêng hầu như giữ ổn định so với thời điểm trước và trong Tết, do nguồn cung dồi dào, sức mua không cao.

Sau Tết, mặt bằng giá ổn định

Nguồn cung các mặt hàng rau củ quả sau Tết khá dồi dào. Ảnh: Quang Vinh.

Giá thực phẩm ổn định

Thường vào dịp sau Tết Nguyên đán hàng năm, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thường có biến động. Do ảnh hưởng của thời tiết, nguồn cung thực phẩm cũng như các mặt hàng rau, củ, quả, lương thực gặp nhiều khó khăn, cùng lúc nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao đã dẫn đến giá cả của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng mạnh. Tuy nhiên, trái với quy luật này, năm nay, thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại Hà Nội hầu như giữ ổn định so với thời điểm trước, trong và sau Tết. Giá các mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả và và lương thực không có nhiều biến động.

Khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội như chợ Thành Công, chợ Hôm, chợ Cầu Giấy, thấy một điểm rất rõ là nguồn cung các mặt hàng thực phẩm, rau, củ quả dồi dào và phong phú, không hề có hiện tượng khan hàng. Đó cũng là lý do giá cả các mặt hàng hầu như ổn định so với dịp trước Tết Nguyên đán.

Tại các chợ nói trên, giá bán một số mặt hàng rau củ như su hào vẫn ở mức 7.000 đồng/củ; cải bắp 12.000 đồng/kg; cải cúc 10.000 đồng/kg; cà chua 15.000 đồng/kg; khoai tây 12.000 đồng/kg... Mức giá này vẫn không có gì biến động so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Bà Trần Kim Xuyến – chủ hàng rau củ tại chợ Thành Công cho hay, sau Tết, sức mua rau, củ có chậm hơn so với trước Tết và nhu cầu người dân cũng thấp hơn so với cùng thời điểm các năm trước. Lý giải nguyên nhân của lượng cầu yếu, bà Xuyến cho hay, năm nay thời tiết nắng ấm, nguồn cung rau củ quả dồi dào, không bị gián đoạn nên giá bán ổn định. “Đặc biệt, do năm nay nắng ấm, khác với mọi năm nhu cầu tiêu dùng rau giảm nhiều do người dân không thiết tha với món lẩu, khiến lượng hàng bán ra chậm” – bà Xuyến cho biết.

Một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu sau Tết vẫn có xu hướng tăng nhẹ, đơn cử như thịt lợn tăng nhẹ khoảng 5-19% so với trước Tết. Thịt lợn nạc thăn có giá là 100.000-120.000 đồng/kg, thịt ba chỉ có giá từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, thịt mông sấn có giá từ 120.000-140.000 đồng/kg. Giá gà ta mổ sẵn tại các chợ từ dao động từ 160.000-180.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp làm sẵn ở mức 70.000-80.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, từ ngày 14 âm lịch, nhu cầu mua sắm phục vụ ngày Rằm tháng Giêng của người dân tăng mạnh. Tuy nhiên, giá các mặt hàng cũng không biến động nhiều. Thực phẩm tươi sống vẫn ổn định về giá. Tại các chợ truyền thống Cầu Giấy, chợ Hôm, chợ Mơ… giá thực phẩm tươi sống gần như không thay đổi so với ngày thường.

Trong khi đó, các mặt hàng rau xanh dù được tiêu thụ nhiều trong dịp này nhưng vẫn đứng giá. Đơn cử, giá súp lơ: 10.000 đồng/cây, rau cần: 8.000 đồng/mớ…

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định. Do nguồn cung khá dồi dào, sức mua không lớn và hầu hết các hệ thống đều mở cửa sớm trong Tết nên giá phần lớn các mặt hàng đã giảm so với những ngày cận Tết. Một số mặt hàng như thủy sản, rau xanh, hoa tươi có giá gần như tương đương so với những ngày cận Tết.

Sau Tết, mặt bằng giá ổn định - 1

Sau Tết và Rằm tháng Giêng, mặt bằng giá ổn định, ít biến động.

Một số mặt hàng biến động giá

Nếu như giá các mặt hàng thực phẩm ổn định thì ngược lại, giá cả các mặt hàng hoa quả tươi có sự biến động mạnh. Chị Hoàng Khánh Vân – chủ cơ sở kinh doanh hoa quả tại chợ Cầu Giấy cho hay, giá trái xoài dao động quanh mức 60.000 – 70.000 đồng/kg, dưa hấu ở mức 20.000 – 22.000 đồng/kg, cam Cao Phong 45.000 – 50.000 đồng/kg; các mức giá này đều đã tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Đại diện Sở Công thương TP Hà Nội nhận định, thời điểm sau Tết, giá các mặt hàng thiết yếu hầu như không biến động, giá tương đương so với thời điểm sát Tết. Sở dĩ giá cả thị trường ổn định là do công tác đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 được đảm bảo thường xuyên, liên tục. Ngay từ ngày mùng 1 Tết đã có 125 điểm mở cửa bán hàng và đến ngày mùng 4 Tết hầu hết các doanh nghiệp đã mở cửa bán hàng trở lại phục vụ người dân.

Chính vì điều này, thị trường hàng hóa trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.

Minh Phương