Điều khoản 'chốt chặn' khiến Anh lao đao vì Brexit
Sau nhiều thất bại trong việc thông qua Thỏa thuận Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May hôm 20/2 đã trở lại Brussels với hy vọng thuyết phục Liên minh châu Âu (EU) đưa ra thêm nhượng bộ nhằm cứu vãn Thỏa thuận này.
Thủ tướng Anh Theresa May trở lại Brussels để đàm phán lại Thỏa thuận Brexit. (Nguồn: Reuters).
Đàm phán lại
Trong lúc nước Anh chỉ còn 36 ngày nữa là rời khỏi cộng đồng thương mại lớn của thế giới, giới chức nước này chỉ còn lại rất ít kỳ vọng vào cơ hội đạt bước đột phá trong đàm phán với EU. Điểm khúc mắc lớn nhất hiện nay giữa hai bên chính là điều khoản “chốt chặn” - nhằm đảm bảo không có đường biên giới cứng giữa Ireland và Bắc Ireland sau khi Brexit diễn ra.
Thủ tướng May đã chấp nhận điều khoản trên với giới lãnh đạo EU vào tháng 11/2018 để đạt được Thỏa thuận Brexit, tuy nhiên Thỏa thuận này bị giới lập pháp Anh bác bỏ hoàn toàn vì cho rằng điều khoản “chốt chặn” sẽ khiến Anh bị trói buộc vào các quy định của EU.
Bà May đã hứa hẹn trước các nhà lập pháp rằng bà sẽ sửa lại Thỏa thuận này sao cho điều khoản “chốt chặn” chỉ có hiệu lực trong khoảng thời gian nhất định, hoặc tạo một con đường thoát khỏi điều khoản trên.
Hôm 20/2, một người phát ngôn của bà May đã gọi chuyến đi Brussels lần này là “quan trọng” trong việc đạt được những thay đổi mới trong Thỏa thuận Brexit mà Quốc hội Anh cần có để thông qua. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (EC) nói rằng: “Tôi rất tôn trọng bà May vì lòng dũng cảm của bà ấy. Chúng tôi sẽ thảo luận với bà vào ngày mai, nhưng tôi không mong đợi vào bước đột phá”.
Phía EU cũng tỏ rõ sự không hài lòng của họ về quan điểm của nước Anh đối với Brexit, cho rằng Bộ trưởng Brexit Anh Stephen Barclay không đưa ra được đề xuất mới khi tới Brussels vào hôm đầu tuần này để thảo luận với Trưởng đàm phán của EU Michel Barnier.
Trước đó, trong hôm 19/2, EU một lần nữa đưa ra phản ứng của họ trước yêu cầu đàm phán lại của Anh: “EU sẽ không mở lại các vòng đàm phán về Brexit, chúng tôi cũng không chấp nhận đặt thời hạn cho điều khoản chốt chặn hay đơn phương rút điều khoản này. Chúng tôi sẽ chỉ làm việc với Chính phủ Anh về việc nước này chính thức rút khỏi EU vào ngày 29/3”.
Phía Văn phòng Thủ tướng Anh, trong khi đó, một lần nữa nói rằng việc thuyết phục EU đàm phán lại Thỏa thuận Brexit là dự định của Thủ tướng. “Mai sẽ là ngày diễn ra cuộc họp quan trọng giữa Thủ tướng và Chủ tịch EC Juncker. Tiến trình đàm phán lại sẽ diễn ra”- thông báo nêu rõ.
Điều khoản nào thay thế “chốt chặn”?
Hãng Reuters dẫn một số nguồn tin của Anh cho hay, ông Barclay và Tổng chưởng lý Anh Geoffrey Cox sẽ tới Brussels trong tuần này để thảo luận về “văn bản pháp lý” với ông Barnier, nhằm tìm kiếm thêm sự đảm bảo cho nước Anh trong điều khoản “chốt chặn”. Trước đây, chính ông Cox là người đã phản đối điều khoản “chốt chặn”, cho rằng nó không có lợi cho Anh.
Trong vài ngày tới, Thủ tướng May sẽ cần phải thuyết phục được những chính trị gia có tư tưởng hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ của bà, rằng điều khoản “chốt chặn” không kìm chân nước Anh vĩnh viễn trong khối EU. Ngoài ra, bà cũng đang muốn đưa ra một ý tưởng mới mà cả những người phản đối và ủng hộ Brexit đều chấp nhận được.
Một trong những phương án thay thế điều khoản “chốt chặn“ được nhắc tới nhiều nhất vào lúc này là “Thỏa hiệp Malthouse” (Malthouse Compromise), được các nghị sỹ đảng Bảo thủ từ cả phe ủng hộ và phản đối EU thống nhất, trong đó cho phép sử dụng công nghệ hiện hành để ngăn việc thiết lập trở lại hệ thống đường biên giới thực giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Ireland thời kỳ hậu Brexit.
Tuy nhiên, phía EU nói rằng “Thỏa hiệp Malthouse” mà họ đề xuất nhằm thay thế điều khoản “chốt chặn” trên thực tế vẫn chưa tồn tại bởi vậy không thể đảm bảo được vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland. Bởi vậy, EU sẽ không thể chấp nhận đề xuất này.
Hiện nay, Thủ tướng May vẫn còn thời gian từ giờ cho đến hết ngày 27/2 để thuyết phục EU sửa đổi điều khoản “chốt chặn” hoặc sẽ phải đối mặt với hàng loạt cuộc bỏ phiếu về Brexit khác tại Hạ viện - nơi mà phần lớn các nhà lập pháp muốn sửa đổi Thỏa thuận Brexit.