Năng suất lao động thấp, nguy cơ tụt hậu cao

Q. Định 22/02/2019 08:00

Số liệu thống kê mới đây cho thấy, năng suất lao động (NSLĐ) của nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành ước đạt 92,1 triệu đồng năm 2017, tương đương 4.100 USD/lao động/năm; cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân giai đoạn 2011đến nay. Tuy nhiên, thành tích tăng NSLĐ của Việt Nam thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu.

Năng suất lao động thấp, nguy cơ tụt hậu cao

Tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước Đông Á và Đông Nam Á khác, và vẫn thấp xa so với Trung Quốc trong cùng kỳ (4,7% so với 9,07%). Với tốc độ tăng NSLĐ bình quân nêu trên, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tụt hậu. Điều này có nghĩa chi phí sản xuất ở Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn, tác động trực tiếp tới tính cạnh tranh của nền kinh tế, nguy cơ nhiều doanh nghiệp (DN) FDI sẽ chuyển địa điểm sản xuất sang nước có chi phí rẻ hơn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước vẫn còn 21,6 triệu lao động làm việc trong khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản, trong khi NSLĐ khu vực này chỉ đạt 35,5 triệu đồng/lao động/năm, bằng 38,1% mức NSLĐ chung của nền kinh tế. Không những vậy, chỉ có 21,5% lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó khu vực nông thôn rất thấp, chỉ khoảng 13%. Bên cạnh đó, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ lạc hậu cũng là nguyên nhân khiến NSLĐ Việt Nam còn thấp.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra rất mạnh mẽ, bên cạnh những thách thức là nguy cơ mất việc làm. Bởi lẽ đặc trưng nổi bật của CMCN 4.0 là nhiều công đoạn sản xuất sẽ được thay thế bằng máy móc, sẽ là mối đe dọa với lực lượng lao động trình độ thấp đang làm việc trong các nhà máy. Nhiều công nhân cho biết, hầu như họ không tham gia các hoạt động vui chơi giải trí hay học hành trường lớp, và cũng không theo đuổi bằng cấp để nâng cao trình độ. Thực trạng hiện nay là đa phần công nhân chưa qua đào tạo. Trong khi đó, các DN thích tuyển dụng công nhân không có kỹ năng, sau đó tập huấn ngắn hạn, trả lương thấp và không cần thì dễ bề cho nghỉ việc. Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, vì nước ta có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động thấp.

Q. Định