Gỡ nút thắt cho lúa gạo ĐBSCL
Ngày 26/2, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL”.
Quang cảnh Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng lúa gạo là ngành hàng rất quan trọng, không những phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn xuất khẩu ra thế giới. “Chúng ta đã và đang hình thành một ngành lúa gạo của thế giới, tiến bộ rất nhanh.
Về góc độ sản xuất, chúng ta đã giữ được giá lúa, nông dân ít nhất cũng lãi 30%. Ví như giống IR-50404, đã có 156 doanh nghiệp xuất khẩu được gạo sang 120 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó như Mỹ, EU, Trung đông”, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Theo nhận định của các ngành chuyên môn, năm 2018, tình hình xuất khẩu gạo đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, nhưng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thương mại gạo toàn cầu tiềm ẩn những biến động khó lường. Từ cuối 2018, việc tiêu thụ gạo gặp một số khó khăn, giá lúa ở vụ đông xuân giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo tháng 1/2019 đạt 437,6 nghìn tấn với giá trị đạt 195,3 triệu USD, giảm 10,9% về khối lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng cần xác lập tầm nhìn dài hạn cho ngành hàng lúa gạo có tác động đến hàng triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL. Chúng ta thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ” để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn cho một ngành hàng có thể không đóng góp nhiều cho giá trị xuất khẩu nhưng là sinh kế cho hàng chục triệu nông dân.
Nông dân tỉnh Đồng Tháp thu hoạch lúa chờ thương lái đến thu mua.
Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng hiện nay làm ăn riêng lẻ là rất khó khăn nên triển khai Hợp tác xã kiểu mới. Ngoài ra, có việc “cò” hợp đồng với nông dân, nhưng khi giá lúa giảm họ bỏ chạy. Do đó, địa phương khuyến cáo Hợp tác xã, nông dân trữ lúa đợi giá ổn định.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng công ty Lương thực miền Bắc Vinafood 1 cho biết, Vinafood 1 cam kết mở kho thu mua hết công suất của mình để đưa giá lúa lên. Giờ, chỉ còn là vấn đề vốn, làm sao doanh nghiệp vay được vốn. “Ngân hàng Nhà nước nên chỉ đạo các ngân hàng thương mại cân nhắc điều kiện cho doanh nghiệp vay”, bà Tâm đề nghị.
Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, sẽ làm việc với các tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp, đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng cho doanh nghiệp trong thu mua tạm trữ và xuất khẩu lúa gạo. Đặc biệt, phải nghiêm túc áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn tạm trữ lúa gạo là 6%.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, trong năm 2019, người sản xuất và doanh nghiệp phải tập trung, đánh giá lại căn cơ tổng kết chương trình liên kết an ninh lương thực. Thời gian tới, Bộ NN-PTNT đề nghị giảm 5.000 ha đất sản xuất lúa, chủ động giảm để tổ chức những nông sản khác có thị trường tốt hơn.
Ông Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các doanh nghiệp phấn đấu mở rộng thị trường trên thế giới, đặc biệt quan tâm đến thị trường nội địa. Riêng các địa phương cùng với doanh nghiệp thực hiện liên kết có trách nhiệm với nông dân để thu mua lúa gạo ở vụ đông xuân và các vụ mùa tới.