Tập trung gỡ khó tiêu thụ lúa gạo

Quốc Trung – Hoà Bình 27/02/2019 00:00

Trước tình hình giá lúa vụ chính Đông Xuân bị rớt mạnh ngay tại vựa lúa gạo cả nước, nông dân ĐBSCL đứng ngồi không yên. Ngày 26/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị nhằm “Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL”.

Tập trung gỡ khó tiêu thụ lúa gạo

Quang cảnh hội nghị.

Doanh nghiệp chưa thúc đẩy thu mua nên giá lúa thấp

Tại Hội nghị “Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2019, diện tích lúa cả nước là 7,53 triệu ha, năng suất trung bình 58,1 tấn/ha, sản lượng gạo dự kiến đạt 43,8 triệu tấn, tương đương năm 2018, đủ cho nhu cầu trong nước và kế hoạch xuất khẩu. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy những ngày đầu năm 2019 hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, bối cảnh thương mại gạo toàn cầu có những biến động khó lường. Cụ thể, từ cuối 2018 đến nay, việc tiêu thụ gạo gặp một số khó khăn, giá gạo giảm. Xuất khẩu gạo tháng 1/2019 đạt gần 438.000 tấn với giá trị đạt 195,3 triệu USD, giảm 10,9% về khối lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm, các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc.

Nguyên nhân là do nguồn cung dồi dào vì đang bước vào thu hoạch vụ Đông Xuân (vụ lúa chính trong năm), trong khi đó các giao dịch xuất khẩu cũng ít hơn trong thời gian gần Tết. Các thị trường quốc tế đang tiếp tục có sự cạnh tranh gia tăng về chất lượng, chủng loại và yêu cầu kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu. Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các hợp đồng ký kết chưa được nhiều cộng với một số doanh nghiệp (DN) chưa đẩy mạnh thu mua nên có lúc giá lúa xuống thấp, chẳng hạn như lúa IR 50404 chỉ còn 4.200 – 4.400 đồng/kg. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương nên giá lúa nay tăng lên 4.500 – 4.600 đồng/kg. Đây là tín hiệu tốt, đảm bảo có lợi cho DN và người nông dân.

Trước đó Bộ NNPTNT đã có chuyến khảo sát thực địa về công tác thua mua lúa gạo tại tỉnh Đồng Tháp, tại đây Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Vụ Đông Xuân 2018 – 2019, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 1,6 triệu ha lúa và giai đoạn này đang tập trung thu hoạch, chiếm từ 30 – 40%. Nhìn chung, năng suất năm nay khá tốt, tổng sản lượng ước đạt khoảng 11 triệu tấn.

Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác thu mua lúa gạo cho người nông dân vùng ĐBSCL, ông Cường cho rằng, hơn lúc nào hết, thời điểm này rất cần sự chung tay của các DN chủ lực cùng tham gia vào tiêu thụ lúa cho nông dân.

Đặt lợi ích quốc gia, người dân lên trên lợi nhuận

Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa có những chỉ đạo các bộ, ngành liên quan gấp rút hành động để xử lý một tình huống “chẳng đặng đừng”, đó là giải cứu lúa gạo, giải cứu nông dân. “Điều này cần thiết để cứu nông dân, nhưng về lâu dài, tôi đề nghị chúng ta thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ” để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn cho một ngành hàng liên quan đến sinh kế của hàng chục triệu người ĐBSCL”-ông Hoan nói.

Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm, mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện. Điều đó cho thấy HTX là giải pháp duy nhất trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cũng theo nhận định của ông Lê Minh Hoan, một chiến lược dài hạn không thể thực thi khi tư duy mùa vụ của nông dân và tư duy thương vụ của DN còn tồn tại. Thương hiệu hạt gạo không thể xây dựng trên nền tảng niềm tin giữa người nông dân và DN phập phù qua từng vụ mùa như trong thời gian qua. Dịp này, ông Lê Minh Hoan cũng đề nghị các DN tiêu thụ lúa gạo, nhất là 2 đơn vị chủ lực là Vinafood 1 và Vinafood 2, cùng ngồi lại với các địa phương có diện tích sản xuất lúa trọng điểm để hoạch định tầm nhìn chiến lược dài hạn. Các DN cần đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân lên trên lợi nhuận của DN. Hy vọng các DN cùng chia sẻ triết lý sâu xa này...

Về phía DN thu mua lúa, sau khi được sự chỉ đạo, vào cuộc của Chính phủ, các DN cũng đã mở “hầu bao” để tích cực thu mua. Bà Bùi Thị Thanh Tâm – Tổng công ty Lương thực miền Bắc Vinafood 1, cho biết công ty cam kết mở kho thu mua hết công suất của mình để kích giá lúa lên. Giờ, chỉ còn là vấn đề vốn, làm sao DN vay được vốn.

Ông Lê Minh Hưng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cam kết sẽ làm việc với các tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn của các DN, đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng cho DN trong thu mua tạm trữ và xuất khẩu lúa gạo. Đặc biệt, phải nghiêm túc áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn tạm trữ lúa gạo là 6%.

Tuy nhiên ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam vẫn khuyến cáo, tình hình sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ diễn biến phức tạp và cạnh tranh khốc liệt hơn trong năm 2019. Dự báo, nhập khẩu gạo của Trung Quốc trong năm 2019 sẽ tăng thêm 200 nghìn tấn lên mức 5,2 triệu tấn từ mức 5 triệu tấn năm 2018.

Có thể nói, hội nghị lần này không ngoài mục đích thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo cho vùng ĐSBSCL và hướng đến mục đích tăng thu nhập cho người nông dân. Hội nghị cũng nhằm trao đổi, đánh giá tình hình, cùng các bộ, ngành liên quan tập trung các giải pháp thúc đẩy toàn diện sản xuất, xuất khẩu gạo trước mắt cũng như lâu dài, giải quyết các nút thắt của ngành gạo cũng như duy trì sự tích cực của xuất khẩu gạo trong những năm vừa qua.

* Mới đây Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Tài chính thu mua đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 với sản lượng 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa. Đồng thời, một số DN Trung Quốc đã trao đổi, thống nhất với các đối tác của Việt Nam về nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam. Biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và Thung lũng Thực phẩm nông nghiệp công nghệ cao quốc gia Sơn Đông - Trung Quốc (FVC). Hai bên sẽ thực hiện ngay Bản ghi nhớ này trong nửa đầu năm 2019.

Quốc Trung – Hoà Bình