Cung - cầu thực phẩm hữu cơ chưa gặp nhau
“Khi chúng tôi làm việc với doanh nghiệp làm thực phẩm sạch, họ than Trời do không thể cạnh tranh về giá với “thực phẩm bẩn”. Vì vậy, doanh nghiệp bỏ ngỏ thị trường trong nước, hàng tốt, hàng chất lượng cao được doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường các nước”.
Đó là chia sẻ của bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM về những khó khăn trong phát triển thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ.
Người tiêu dùng dè dặt sử dụng
Báo cáo năm 2018 của Nielsen (Công ty Nghiên cứu thị trường) cho thấy, có 37% người tiêu dùng Việt khẳng định, sức khoẻ là mối bận tâm lớn nhất; 76% người tiêu dùng muốn biết mọi thành phần đang đi vào thức ăn, 89% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều hơn cho các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe...
Đánh giá cao sự tiến bộ của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, dựa trên thực tế có thể thấy, sự thay đổi trong tiêu dùng theo hướng xanh, sạch vẫn diễn ra chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do người tiêu dùng chưa an tâm khi lựa chọn vì sản phẩm “đội lốt” hữu cơ trên thị trường không ít. Thứ hai, giá thực phẩm hữu cơ vẫn ở mức cao nên khó có thể cạnh tranh được với những sản phẩm khác.
Tại Hội nghị bàn về xây dựng tiêu chuẩn trong ngành thực phẩm do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) tổ chức, bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho rằng, DN rất khó đưa hàng ra thị trường nội địa khi giá cả không được cải thiện. Đại diện một DN cho rằng, người tiêu dùng muốn sử dụng thực phẩm sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng ngặt nỗi người tiêu dùng vẫn thích sản phẩm có mẫu mã đẹp. Đây là trở ngại cho các nhà sản xuất trong việc phát triển thực phẩm hữu cơ. Nhìn nhận từ thực tế, đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, Việt Nam sản xuất được sản phẩm hữu cơ, nhưng vấn đề kết nối từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng còn khá gian nan. Đây chính là lý do tại sao liên kết tiêu dùng của thực phẩm hữu cơ trong thời gian qua chưa thành công.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Biết rõ những khó khăn trong phát triển thị trường thực phẩm hữu cơ, song không ít DN đang cố gắng mở rộng mạng lưới phân phối để sản phẩm hữu cơ thật sự đến tay người tiêu dùng. Điển hình như: Co.op Mart, VinMart, MM Mega Market... Theo TS Đinh Công Tiến - Hiệu trưởng Trường Cán bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn II, thời gian qua Trường không ngừng tổ chức nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản chất lượng cao của các hợp tác xã (HTX) làm ăn nghiêm túc. Bên cạnh đó, còn tổ chức kết nối với hệ thống bán lẻ hiện đại uy tín có mạng lưới phủ khắp để xúc tiến nhanh nhất việc đưa đến tận tay người tiêu dùng những mặt hàng nông sản chất lượng cao.
Gian nan phát triển thực phẩm hữu cơ ở thị trường trong nước, nhiều DN chủ động xuất khẩu ra thị trường thế giới. Ông Nguyễn Lâm Viên- Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho hay, năm 2018, Vinamit xuất khẩu khoảng 1.600 tấn mít sấy sang các nước. Dự kiến, năm 2019, doanh thu sẽ tăng 50% so với năm 2018. Để thành công với sản lượng lớn, doanh thu cao, đơn vị này cố gắng thiết lập uy tín về chất lượng sản phẩm hữu cơ đối với khách hàng thông qua giấy chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc. Là người tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, ông Võ Quan Huy- Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An thông tin, ngoài thành công ở thị trường xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc với mặt hàng chuối tươi, hiện DN này đang đặt nhiều kỳ vọng vào sản phẩm thịt bò Nhật và bưởi da xanh.
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), hiện có 33/63 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, diện tích đạt hơn 76.600ha (tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010). Khoảng 60 tập đoàn, DN, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ. |