Thư viện của chàng trai xương thủy tinh
Đó là tên gọi thân thương mà mọi người dành cho em và cũng là tài sản vô giá của chàng trai “xương thủy tinh” Trịnh Xuân Nghĩa (19 tuổi) trú tại xã Phú Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Số phận nghiệt ngã đối với Nghĩa nhưng em luôn nhìn đời bằng đôi mắt tràn đầy lạc quan.
Chàng trai xương thủy tinh Trịnh Xuân Nghĩa.
Trịnh Xuân Nghĩa lớn lên với căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Căn bệnh khiến em không thể đứng lên và phải sống triền miên trong bệnh viện bởi số lần gãy xương không thể đếm xuể nhưng không thể ngăn bước chân đến trường của cậu bé nghèo này. Học “vỡ lòng” với mẹ, 12 tuổi, Nghĩa bắt đầu đến trường, vào thẳng lớp 2. Hiện Nghĩa đang là học trò lớp 8, cần mẫn ngày 2 buổi đến trường trên chiếc xe lăn với đôi chân dị dạng cong vênh và hai cánh tay yếu ớt có thể gãy bất kỳ lúc nào.
Gần 20 tuổi, Nghĩa chững chạc, điềm đạm, khiêm tốn và lạc quan, dù cuộc đời của em là một chuỗi ngày đấu tranh với số phận nghiệt ngã không ngừng nghỉ. Nghĩa không thấy mình là người tàn phế và em luôn lạc quan về tương lai. Nghĩa tự nhận thấy mình phải làm một việc gì đó, trước hết để giúp mình, giúp 2 em và những đứa trẻ hàng xóm. Phát triển văn hóa đọc! Tại sao không khi mà lũ trẻ hiện nay chỉ chăm chăm xem tivi, chơi điện thoại? “Hồi nhỏ, nhà không có tivi, không có điện thoại thông minh như bây giờ. Bố đi làm, mẹ ngoài thời gian lo cho anh em thì cũng phải làm đủ việc ruộng vườn. Em làm bạn với sách, nhà không có nhiều tiền mua sách, em đọc sách giáo khoa, trong các tạp chí, tờ báo hay sách cũ bạn bè, lối xóm cho mượn. Sách là bạn, là tri kỷ, là người tâm tình, là nơi mở ra trong em một thế giới mới, rộng lớn và đẹp đẽ”- Nghĩa tâm sự.
Nghĩa mang ý tưởng của mình bàn với anh chị các nhóm thiện nguyện vẫn thường lui tới nhà em. Từ ý tưởng ban đầu, với sự giúp đỡ của các nhóm thiện nguyện, cộng đồng mạng xã hội, thầy cô giáo và lãnh đạo địa phương, “Thư viện Nghĩa Tình” ra đời sau 2 tháng thai nghén. Cái tên của thư viện đã bao hàm ý nghĩa tốt đẹp và những người đến đây đọc sách đều hoàn toàn miễn phí.
Tiếng thơm về “Thư viện Nghĩa Tình” lan ra xa, bạn đọc cũng ngày một nhiều, ở các lứa tuổi khác nhau. Bạn đọc không chỉ tìm đến những cuốn sách mang tính giải trí mà tìm kiếm nhiều hơn về sách tham khảo, sách lí luận. Bởi vậy, Nghĩa phải nhờ sự giúp đỡ của mẹ và các anh chị tình nguyện viên trong việc sắp xếp, quản lý sách một cách khoa học và hợp lý. Thư viện của Nghĩa mở cửa tất cả các ngày trong tuần nhưng đông bạn đọc nhất vẫn là vào dịp cuối tuần.
Nhiều đứa trẻ trong xóm đang dần “cai” được điện thoại thông minh và trở thành bạn đọc thường xuyên của thư viện. “Hiện nay thư viện mới có gần 1.000 đầu sách các loại, vẫn thiếu nhiều các loại cách tham khảo, sách khoa học thường thức. Em nghĩ, thư viện không chỉ phục vụ đối tượng bạn đọc là học sinh mà sắp tới, cần mở rộng, nhất là các loại sách về hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, làm kinh tế… để bà con nông dân xung quanh cũng có thể tới để tìm kiếm kiến thức mình đang cần”-Nghĩa chia sẻ.
Sau thành công của thư viện, Nghĩa và các bạn trong nhóm thiện nguyện, thầy cô giáo ở Trường THCS Hợp Thành, THCS Hồ Tông Thốc và một số học sinh trường THPT Phan Đăng Lưu tiếp tục mở thêm lớp học miễn phí ở ngay trong khoảng sân nhỏ của nhà Nghĩa. Lớp chủ yếu chỉ dạy vào dịp hè và cuối tuần dành cho học sinh tiểu học và THCS trong vùng. Riêng Nghĩa phụ trách đứng lớp ôn bài cho các em học sinh khối 4, 5.