Doanh nghiệp Nhật tăng cường đầu tư tại Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tiếp tục đưa ra quan điểm sẽ chọn Việt Nam để mở rộng kinh doanh. Thực tế trên cho thấy Việt Nam tiếp tục là môi trường đầu tư hấp dẫn đối với giới DN nước ngoài.
Được biết ngày 4/3 tới đây, tại Hà Nội, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản JETRO sẽ công khai Báo cáo về thực trạng của các DN Nhật Bản đầu tư tại châu Á - châu Đại dương, trong đó có Việt Nam. Theo Báo cáo, cùng với sự phát triển của các DN Nhật Bản trong lĩnh vực chế tạo, năm 2018 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực phi chế tạo. Tỷ lệ DN có lãi là 65,3%, tăng 0,2 điểm so với năm ngoái. Phân theo khu vực thì tỷ lệ có lãi của khu vực Bắc Bộ cao hơn các khu vực khác.
Báo cáo cho thấy, 70% DN tại Việt Nam có phương châm “mở rộng” hoạt động kinh doanh, so với các nước khác, tỷ lệ này tương đối cao. Đối với những DN thành lập trước năm 2010, có đến 67,1% DN có phương châm này. Đại diện Văn phòng JETRO (Nhật Bản) tại Hà Nội khẳng định: Việt Nam tiếp tục có vị thế là điểm đến đầu tư. Năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư tại Hà Nội và TP HCM, các DN Nhật Bản sẽ có xu hướng đầu tư ở các địa phương nhiều hơn. Động lực để các DN Nhật Bản tiếp tục đầu tư là do: Doanh thu tăng; tiềm năng và tính tăng trưởng cao. Ông Hironobu Kitagawa – Trưởng đại diện Văn phòng JETRO nhận định, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam từ sau năm 2010 có chiều hướng tăng dần.
Mới đây tại cuộc đối thoại kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nói, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lao động, du lịch và nông nghiệp là những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ trở thành mũi nhọn mới cho sự hợp tác giữa DN hai bên. Giới chuyên gia cũng kỳ vọng, nhiều DN nước ngoài tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, điều này cho thấy nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng đầu năm 2019, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính các dự án FDI đã giải ngân được khoảng 1,55 tỷ USD trong tháng đầu năm, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Góp vốn, mua cổ phần đang trở thành một hình thức đầu tư được DN ngoại ưa chuộng khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Dự kiến trong năm 2019, làn sóng đầu tư này sẽ còn mạnh hơn nữa với các nền tảng vững chắc của nền kinh tế, bên cạnh những lợi thế có được qua các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) .