Thay đổi nhận thức để sớm gỡ 'thẻ vàng'
Ngày 23/10/2017, EC rút “thẻ vàng” cảnh cáo đối với thủy sản Việt Nam. Sau thời gian kiểm tra từ ngày 15 - 24/5/2018, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu tiếp tục gia hạn thêm 6 tháng cho ngành thủy sản Việt Nam để thực hiện các biện pháp khắc phục.
Dự kiến tháng 4 tới, đại diện EC sẽ đến Việt Nam để tiếp tục kiểm tra. Đoàn sẽ kiểm tra 1 trong 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ. Vì thế, Hà Tĩnh đang ráo riết thực hiện đồng bộ các biện pháp để chung tay cùng gỡ “thẻ vàng”.
Ngư dân được hướng dẫn rất cụ thể việc nhật ký cũng như chấp hành các quy định pháp luật khi đánh bắt hải sản.
Chấp hành nghiêm các hướng dẫn
Theo ông Nguyễn Công Hoàng- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, sau khi bị EC phạt “thẻ vàng”, ngành thủy sản bị ảnh hưởng rất lớn, ngư dân bị thiệt hại trực tiếp về kinh tế. Riêng tại Hà Tĩnh, hiện nay bình quân mỗi năm tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác toàn tỉnh đạt khoảng 47.000 tấn, giá trị 2.300 tỷ đồng.
“Nếu giá bán giảm khoảng 10% do hệ lụy của “thẻ vàng”, “thẻ đỏ” thì Hà Tĩnh mất đến 230 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ. Người trực tiếp bị ảnh hưởng không ai khác mà chính là những ngư dân”- ông Hoàng phân tích và cho biết thêm, Chi cục Thủy sản kêu gọi ngư dân Hà Tĩnh nỗ lực cùng cả nước chấp hành nghiêm các hướng dẫn của lực lượng chức năng để EC gỡ “thẻ vàng”, đưa thủy sản Việt Nam quay lại quỹ đạo, hướng ra biển lớn. Khó khăn nhất hiện nay đối với ngư dân Hà Tĩnh là việc ghi nhật ký khai thác đạt quy chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó là quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài 15m trở lên.
Ông Hoàng cũng cảnh báo, trường hợp EC đến kiểm tra Hà Tĩnh và kết luận ngư dân khắc phục chưa đạt sẽ ảnh hưởng lớn đến nghề cá của cả nước. Nhẹ thì họ gia hạn cho khắc phục tiếp nhưng nặng sẽ rút “thẻ đỏ”. Và điều đó thì không ai muốn.
Nỗ lực để thay đổi
Gần 1 năm nay, 14 thành viên của Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá Hà Tĩnh (Văn phòng) hoạt động hết “công suất”, đối mặt với nhiều khó khăn để thực hiện nhiệm vụ của mình. Không những vậy, Văn phòng còn phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá cập bến, xuất bến làm cơ sở để thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định.
“Thủ phủ” cá Hà Tĩnh - Cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) những ngày này luôn tấp nập cảnh tàu thuyền ra vào cập bến. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhân viên của Văn phòng phải “trực chiến” 24/24h để đưa hoạt động nghề cá vào nề nếp.
Ông Thân Quốc Tế, Phó Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh, thành viên Văn phòng cho hay, trước đây công việc hàng ngày của BQL cảng chủ yếu kiểm tra hồ sơ tàu cá, thiết bị an toàn tàu cá, ngư lưới cụ, giám sát tàu ra - vào cảng. Tuy nhiên sau khi bị EC phạt “thẻ vàng”, Văn phòng (trong đó có lực lượng của Chi cục Thủy sản, BQL cảng cá) phải đảm nhận thêm nhiệm vụ kiểm soát sản lượng và giám sát ghi nhật ký khai thác. 14 thành viên của Văn phòng chia ra 2 địa điểm tại cảng Cửa Sót và Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để kiểm soát hoạt động nghề cá.
Kiểm soát sản lượng và giám sát nhật ký khai thác là nội dung khó thực hiện nhất trong quá trình quản lý hoạt động của tàu cá. Hà Tĩnh có hơn hơn 3.700 chiếc tàu thuyền là tàu nhỏ dưới 20CV.. Để thay đổi thói quen của ngư dân từ “không khai báo” thành “có khai báo”, các thành viên của Văn phòng phải sát sao trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, vận động ngư dân.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn đẩy mạnh tuần tra, phát hiện, xử phạt nặng đối với các chủ tàu khai thác hải sản bất hợp pháp nhằm tăng tính răn đe. Từ cuối 2017 đến giữa năm 2018, các lực lượng Kiểm ngư, Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng huy động nhân lực, phương tiện bắt giữ, xử phạt hàng chục vụ tàu dã cào; tàu cá sử dụng kích điện, lưới mắt nhỏ khai thác gần bờ… nên đến thời điểm này số vụ vi phạm Luật Thủy sản giảm đến trên dưới 80%.
Đáng chú ý, thời gian qua lực lượng chức năng cảng Cửa Sót đã hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể cho ngư dân chấp hành tốt các quy định pháp luật. Tàu thuyền vi phạm trong đánh bắt, khai thác hải sản giảm thiểu gần như triệt để không chỉ là số liệu báo cáo của ngành chức năng mà chính ngư dân cũng thừa nhận. Qua đó thấy rằng, nhận thức của các chủ tàu cá đã thay đổi rõ rệt. Họ hiểu, chỉ khi chấp hành tốt quy định pháp luật thì miếng cơm manh áo của họ mới thực sự bền vững.