Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa: Cần lộ trình

Lâm An 05/03/2019 09:00

Theo PGS.TS Vũ Dương Thụy- nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục VN, việc Bộ GDĐT biên soạn riêng một bộ sách giáo khoa (SGK) theo Nghị quyết 88 của quốc hội không có nghĩa là hoàn toàn đóng cửa xã hội hóa mà vẫn là cơ hội mở cho các tổ chức cá nhân biên soạn SGK. Đó là xã hội hóa từng bước.

Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa: Cần lộ trình

Ảnh minh họa.

Chủ động SGK cho chương trình GDPT mới

Vấn đề một bộ SGK hay nhiều SGK trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Là Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, thực ra việc thực hiện một chương trình nhiều SGK ở nước ta không mới. Ở miền Bắc trước năm 1957 và ở miền Nam trước năm 1975, mỗi môn học cũng có một số SGK, chứ không phải chỉ có một bộ SGK. Nghị quyết 88 của Quốc hội chủ trương “thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học”, nói dễ hiểu là một chương trình, nhiều SGK trước khi ban hành chủ trương cũng đã lường trước được những khó khăn nên không thể nói điều kiện hiện nay là chưa phù hợp. Theo GS Thuyết, cần có quan điểm về SGK nhẹ nhàng hơn, nên coi đó là 1 tài liệu tham khảo để lựa chọn trong quá trình dạy học thay vì phụ thuộc duy nhất vào SGK.

Đồng tình với quan điểm một chương trình nhiều SGK là xu hướng chung của thế giới hiện nay, PGS.TS Vũ Dương Thụy cho rằng trong xu thế xã hội hóa là tất yếu nhưng cần lộ trình để thực hiện việc này. Trước mắt Bộ GDĐT cần biên soạn riêng một bộ SGK để đề phòng khả năng dù xã hội hóa nhưng các nhóm tác giả chưa thực hiện được tất cả các bộ môn. Để tránh tình trạng có môn không có SGK do các nhóm tác giả chỉ thích làm một số môn thay vì cả một bộ sách, Bộ GDĐT cần chủ động tổ chức biên soạn một bộ SGK. Như vậy mới đảm bảo chắc chắn rằng trong quá trình triển khai chương trình GDPT mới, môn nào cũng có SGK.

“Thực tế tìm hiểu ở Việt Nam thì hiện nay có một số đơn vị làm SGK theo chương trình mới gần như trọn bộ SGK. Chúng ta cũng không nên hiểu rằng Bộ GDĐT làm riêng bộ SGK là hoàn toàn đóng cửa xã hội hóa mà vẫn là cơ hội mở cho các tổ chức cá nhân biên soạn. Xã hội hóa cần làm từng bước một”- PGS.TS Vũ Dương Thụy nói.

Làm sao để tránh lãng phí?

Trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến: Việc này cần có lộ trình; trước mắt chỉ thực hiện một bộ SGK do Bộ GDĐT tổ chức biên soạn.

Một số ý kiến đặt câu hỏi với những nhóm tác giả đã đầu tư viết sách thời gian qua, nếu triển khai một chương trình nhiều SGK thì sẽ lãng phí công sức, tiền bạc. Theo PGS.TS Vũ Dương Thụy, xét về mặt thị trường, về mặt chủ trương có thể bị lỗ vốn, thậm chí là lỗ nặng vì để viết được SGK, có thể phải mời đến 200-300 chuyên gia, nhà giáo, tổ chức các hội thảo quốc tế… Nghĩa là họ đầu tư rất nhiều tiền để làm sách. Nhưng nếu sách của họ không đạt yêu cầu, không được duyệt thì tất nhiên công ty đó sẽ bị thua thiệt.

“Có thể họ đã đầu tư những thứ tốt nhất để làm sách nhưng tốt nhất của họ không đạt yêu cầu thì cũng phải chấp nhận. Đó là rủi ro trong kinh doanh”- PGS.TS Thụy nêu ý kiến.

Tuy nhiên, để tránh lãng phí công sức, tiền bạc của các nhóm tác giả này, Bộ GDĐT vẫn nên tổ chức thẩm định thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia, để đánh giá những cuốn sách nào đáp ứng được chương trình bên cạnh sách của Bộ để cho giáo viên lựa chọn tham khảo. Điều đó đáp ứng mục tiêu xã hội hóa, là mục tiêu chúng ta theo đuổi lâu dài. Khi nào đủ điều kiện thì không cần sách của Bộ nữa mà Bộ chỉ ra chương trình và đánh giá đó. Để SGK hoàn toàn xã hội hóa là tương lai.

Cụ thể, giai đoạn chín muồi để thực hiện một chương trình nhiều SGK theo PGS.TS Thụy là khi đội ngũ nhà giáo được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ theo chương trình GDPT mới, đời sống giáo viên tốt hơn thì sẽ tập trung nghiên cứu phương pháp đổi mới, đầu tư bài giảng cho học sinh chất lượng tốt nhất.

Một lo ngại khác đặt ra là liệu bộ SGK do Bộ GDĐT biên soạn liệu có kịp khi chỉ còn hơn 1 năm nữa chương trình sẽ được triển khai? Bởi nếu bây giờ Bộ GD ĐT mới bắt đầu bắt tay vào viết sách thì phải bồi dưỡng tác giả, tập trung bồi dưỡng chủ biên, tổng chủ biên, viết kế hoạch dạy cụ thể sau đó biên soạn… Một chuyên gia giáo dục nguyên là thành viên của Ban Phát triển Chương trình GDPT (Bộ GDĐT) cho rằng, nếu Bộ không làm sách thì trong quá trình thẩm định các bộ SGK, Bộ có thể lựa chọn một bộ cũng là một giải pháp. Hiện đã có 5-6 đơn vị thực hiện bộ SGK.

Lâm An