Chữa bệnh 'biểu diễn'
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có công văn lưu ý về việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các môn văn hóa cấp thành phố năm học 2018-2019. Điểm đáng chú ý của công văn này là cấm giáo viên dàn xếp, dàn dựng, dạy trước… với học sinh của lớp được phân công thực hiện tiết dự thi. Dẫu thế, nhiều băn khoăn cũng được đặt ra, liệu văn bản này có đủ sức mạnh để chữa bệnh hình thức, bệnh thành tích đã tồn tại quá lâu trong môi trường giáo dục?
Công văn của Sở GDĐT Hà Nội nhấn mạnh tới việc hội thi phải đảm bảo thực chất, hiệu quả, tránh hình thức; vinh danh đúng giáo viên giỏi, có tài năng sư phạm và đạo đức nghề nghiệp, đồng thời nêu rõ: Nghiêm cấm tuyển chọn học sinh tham dự việc học tập trong tiết dự thi; không được yêu cầu học sinh có sự chuẩn bị quá mức bình thường làm ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh đối với các môn khác.Trong quá trình tổ chức hội thi, nếu phát hiện cán bộ, giáo viên vi phạm, tùy theo mức độ sẽ xử lý theo quy định hiện hành.
Mừng trước một văn bản được ban hành nhằm góp phần chữa bệnh hình thức, nhưng ai cũng biết chữa bệnh thành tích và bệnh hình thức trong giáo dục không phải chuyện đơn giản. Vậy làm thế nào để ngay cả việc ban hành văn bản cũng không phải trở thành một việc làm hình thức?
Trước đó, trong tháng 1/2019, trở về từ chuyến làm việc tại Hải Phòng sau khi có nhiều phản ánh xung quanh những bất cập trong tổ chức thi giáo viên dạy giỏi tại địa phương này, đại diện Đoàn công tác của Bộ GDĐT đã xác nhận, có nhiều khâu trong quá trình tổ chức thi giáo viên giỏi ở Hải Phòng cần rút kinh nghiệm. Điều đó âu cũng chỉ là giọt nước tràn ly bởi bao lâu nay một băn khoăn cũng đã được đặt ra: Thi giáo viên giỏi có thực chất hay không? Lý giải điều này không ít thầy cô giáo đã đề xuất: Nên bỏ hẳn các cuộc thi giáo viên dạy giỏi bởi nó không thực chất và có hơi hướng “bệnh thành tích”, vừa tạo áp lực cho giáo viên học sinh và cho cả nhà trường.
Đại diện Đoàn công tác của Bộ GDĐT chia sẻ: Qua trao đổi trực tiếp với giáo viên cho thấy, giáo viên rất mong muốn có sự điều chỉnh, bổ sung các nội dung tại Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT để hội thi diễn ra một cách nhẹ nhàng, thực chất, giảm áp lực cho giáo viên tham gia dự thi và công tác tổ chức.
Đồng thời thực tế cho thấy, nội dung và hình thức thi giáo viên dạy giỏi không còn phù hợp: Sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép; bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước dẫn tới luyện thi, ôn thi; thi thực hành 2 tiết, trong đó có 1 tiết thực hành, 1 tiết tự chọn đều được chuẩn bị trước, dẫn tới tình trạng “diễn” trong các hội thi. Bên cạnh đó, đối tượng và điều kiện tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp cũng cần được đánh giá lại, điều chỉnh cho phù hợp để không gây áp lực cho giáo viên khi tham gia dự thi.
Đại diện Đoàn công tác cũng nhận định rằng: Việc sử dụng kết quả của hội thi giáo viên dạy giỏi trong đánh giá xếp loại của đơn vị và cá nhân cần phải được nghiên cứu áp dụng cho phù hợp tránh gây áp lực không cần thiết về thi đua và bệnh thành tích. Những ghi nhận từ thực tế cũng như đóng góp của người trong cuộc sẽ được Đoàn công tác ghi nhận tiếp thu, tham mưu cho lãnh đạo Bộ GDĐT để sớm điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 21 nói trên.
Trở lại với văn bản của Sở GDĐT Hà Nội, thực tế thì việc “trình diễn” ở những tiết học dự giờ, những đợt thi giáo viên dạy giỏi ở trường là có. Những tiết dạy dự giờ được báo trước, rồi những tin nhắn mang tính thông báo của giáo viên chủ nhiệm về việc thi giáo viên dạy giỏi hiện vẫn được chia sẻ công khai trong các hội, nhóm phụ huynh. Kèm đó là các yêu cầu rõ ràng “cha mẹ cho các con đọc trước bài…”, “cha mẹ cho các con chép ra giấy kiểm tra bài văn tả quê hương” không còn là chuyện xa lạ với phụ huynh.
Trong khi giáo viên cũng nản với những tiết dự giờ, những cuộc thi giáo viên giỏi thì áp lực ấy được tạo ra do đâu? Câu hỏi này không dễ trả lời, nhưng phát biểu của một giảng viên tại tọa đàm “Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp” diễn ra cách đây ít lâu tại Hà Nội, rất đáng để suy ngẫm. Theo đó gia đình, nhà trường, xã hội là ba thành tố gắn liền với nhau và cả ba thứ này đều tạo ra áp lực nhất định cho giáo viên. Nhà trường cũng cần thành tích để chứng minh chất lượng; Phụ huynh bị áp lực về điểm số và đặt kỳ vọng quá cao về con mình; Giáo viên cũng tự tạo ra áp lực cho mình, nên đôi khi đó là một phần nguyên nhân dẫn đến bạo lực.
Từ sau vụ việc thi giáo viên dạy giỏi ở Hải Phòng, có thể thấy ý kiến, quan điểm chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ GDĐT đã rõ. Nhưng để thực sự giảm áp lực thành tích phải có hướng dẫn cụ thể hơn, quyết liệt hơn. Nếu chỉ dừng lại ở quan điểm chỉ đạo chung chung, triển khai thiếu đồng nhất giữa các địa phương, rõ ràng cả người dạy, người học, rồi cả phụ huynh cũng vẫn chưa thể trút được gánh lo về thành tích thi đua.
Ở thời điểm hiện tại, yêu cầu sớm tìm thuốc chữa bệnh thành tích lại càng đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi khi triển khai Chương trình GDPT mới, nếu đánh giá học sinh, giáo viên vẫn lệ thuộc vào áp lực thành tích, thông qua những tiết dự giờ, những hội thi vẫn được dàn dựng như cũ…thì rõ ràng kết quả không thể nói là khách quan.