Thông điệp mạnh mẽ
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng, ông Phạm Minh Chính- Ủy viên Bộ Chinh trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tái khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước: Phải chống cho được chạy chức chạy quyền! Tuyên bố trên của người đứng đầu ngành tổ chức được coi là thông điệp mạnh mẽ củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trước đó, rất nhiều lần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định, trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, các cấp, ngành, địa phương phải kiên quyết loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm... nhằm làm trong sạch hàng ngũ Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công vụ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phục vụ nhân dân.
Với thực tế đã và đang diễn ra trong thời gian qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân hoàn toàn tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thanh lọc đôi ngũ, làm trong sạch bộ máy. Ngoài việc nghiêm khắc xử lý hàng loạt các cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn để quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm con cháu, người thân quen, nhóm lợi ích để xây dựng phe cánh, các bộ, ngành, địa phương cũng đã coi trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trẻ có năng lực làm lực lượng nòng cốt kế cận.
Nhiều bài học đã được rút ra sau những vụ việc con cháu cán bộ lãnh đạo chủ chốt của bộ, ngành, địa phương được bổ nhiệm thần tốc. Ngoài bài học đắt giá về hậu quả, hệ lụy của việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng người, đúng việc đã tạo trở lực lớn trong công cuộc xây dựng một xã hội văn minh, dân giàu, nước mạnh còn có sự lãng phí tài năng, bởi cán bộ trẻ dù có tài nhưng thăng tiến thần tốc không đúng quy trình, vi phạm quy định thì không thể giữ lại vị trí đang công tác được.
Trường hợp của Lê Phước Hoài Bảo, con của ông Lê Phước Thanh chẳng phải là một ví dụ điển hình hay sao? Hoài Bảo không chỉ được lãnh đạo ghi nhận là một cán bộ trẻ có năng lực, mà còn được đồng nghiệp công nhận là một người có trình độ chuyên môn tốt. Song, do không được rèn luyện, không có thời gian thử thách, thăng tiến quá nhanh nhờ “uy” của ông bố chứ không phải dựa vào chính tài năng của bản thân nên hậu quả tất yếu phải đến là vị cán bộ trẻ này bị kéo lùi trở về vạch xuất phát.
Tất nhiên, để phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững thì không thể không trọng dụng những cán bộ trẻ có tài. Song, làm sao để có thể lựa chọn, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm được những cán bộ vừa có tài vừa có đức, không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý tốt mà đồng thời phải biết khiêm nhường, hết lòng phục vụ nhân dân, đặt cái lợi chung trước cái lợi riêng? Và, để tuyển chọn được những cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” thì không có cách nào khác hơn là công tác cán bộ phải công khai, minh bạch, có sự cạnh tranh giữa các ứng viên để “so bó đũa lấy cột cờ”.
Đáng mừng là ngày càng có nhiều bộ, ngành, địa phương tổ chức thi tuyển các vị trí lãnh đạo. Thi tuyển đồng nghĩa với việc không có ai “chắc suất” ngồi chễm chệ ở vị trí đó, mà phải “dùi mài kinh sử”, phải động não, phấn đấu bằng trình độ, năng lực thực sự của bản thân để giành lấy vị trí. Như vậy há chẳng phải là những “con ông, cháu cha”, những người thân quen của lãnh đạo, nhóm lợi ích... nhưng lại không có thực học, trình độ năng lực thì sẽ không có “cửa” “luồn sâu, leo cao” đó sao?!
Dĩ nhiên là nếu các cuộc thi tuyển vị trí lãnh đạo là thực chất, công khai, minh bạch chứ không phải là tổ chức thi lấy lệ, “quân xanh quân đỏ”, chưa thi đã biết ai trúng ai trượt rồi. Nếu chỉ là đưa ra thi tuyển hình thức thì mức độ nguy hại so với việc bổ nhiệm thần tốc sai quy định còn lớn hơn rất nhiều. Nói như vậy không sai bởi nếu bổ nhiệm trái quy định thì còn có thể phát hiện, còn nếu đã có “thi tuyển” rồi tức là mọi việc đều “đúng quy trình” thì làm sao không nguy hại cho dân, cho nước?
Ngoài việc tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, thì việc xây dựng những quy chuẩn cho tất cả các vị trí lãnh đạo, từ cấp thấp cho đến cấp cao cũng là một biện pháp hữu hiệu ngăn chặn chạy chức, chạy quyền. Bên cạnh đó, nếu mọi thông tin về công tác cán bộ đều được các cấp, ngành, địa phương công khai, minh bạch, không mờ mờ, ảo ảo cũng sẽ góp phần không nhỏ để hạn chế vấn nạn trên. Khi đã có quy chuẩn rõ ràng cho từng vị trí thì người ta sẽ không thể dễ dàng “ấn” người nhà, người thân quen vào được. Khi mà việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ công khai thì ai dám làm sai đây?
Để việc chống chạy chức, chạy quyền không chỉ là khẩu hiệu thì các cấp, ngành, địa phương cần quyết liệt vào cuộc, cần cẩn trọng hơn, kiên quyết hơn trong công tác cán bộ, tránh tình trạng nể nang, xuê xoa cho nhau, hay thậm chí là nhấm nháy tiêu cực... để quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm những người không xứng đáng vào các vị trí lãnh đạo, gây hại cho dân, cho nước. Việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc chính là một dịp “thử lửa” với quyết tâm chống chạy chức, chạy quyền.