Băn khoăn việc xóa nợ thuế khó đòi
Có nhiều quan điểm cho rằng, đối với những khoản nợ thuế khó đòi từ năm này qua năm khác, nếu không làm sạch sẽ chỉ thêm rối, tuy nhiên điều khiến dư luận băn khoăn đó là việc xóa nợ thuế này cần được thực hiện một cách công bằng, minh bạch, tránh chuyện thông đồng giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp (DN).
Số liệu mới được Tổng cục Thuế công bố cho biết, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31/12/2016. Trong đó: Nợ do cơ quan thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.108 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016. Nợ do cơ quan hải quan quản lý là 5.320 tỷ đồng, giảm 2,8% (153 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016. Trong số 5.320 tỷ đồng tiền thuế nợ do cơ quan Hải quan quản lý, tiền thuế nợ có khả năng thu là 1.361 tỷ đồng; tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 3.834 tỷ đồng; tiền thuế nợ chờ xóa, xét miễn, giảm, gia hạn là 125 tỷ đồng.
Được biết Bộ Tài chính đã có dự thảo Nghị quyết xóa nợ thuế khó đòi trình Chính phủ. Theo đó, dự kiến xóa nợ 27.753 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, việc xóa nợ sẽ làm giảm số nợ đọng thuế, giảm gánh nặng phải quản lý nợ thuế không còn khả năng thu vào ngân sách, giảm chi phí cho Nhà nước. Bộ Tài chính cũng cho biết, việc ban hành nghị quyết cơ bản sẽ không ảnh hưởng tác động tới thu, chi ngân sách và không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết sẽ có tác động trên toàn quốc, do đó yêu cầu cần phải có sự chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Giới chuyên gia cho rằng, những DN đã phá sản không còn tài sản để nộp tiền thuế; hay người bị coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế thì nên được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt. Nếu để thời gian càng dài, số thuế không thu được ngày càng chồng chất, không thể thu được, là gánh nặng lên hệ thống thuế. Chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào cho rằng: “Đương nhiên xóa nợ thuế cho DN nào cũng phải minh bạch, công khai, không được theo kiểu chung chung, cũng không được phân biệt DN nhà nước và tư nhân”.
Phần lớn quan điểm cho rằng nợ thuế có nhiều lý do, như người nộp thuế thực sự gặp khó khăn, hay do DN gặp khó khăn rồi xin phá sản, hoặc có những khoản cơ quan thuế cảm thấy không thể thu được do xác định chủ thể rất khó khăn, nếu có thu được cũng không đáng bao nhiêu nên khoản nợ bị treo hết năm này tới năm khác. Bởi vậy, với những khoản trên, nếu không xóa mà treo thì cũng khó thu được, có khi chi phí thu được còn cao hơn số nợ. Tất nhiên, việc xóa phải xem xét hợp lý, không thể xóa một cách ào ạt, cần phân loại rõ ràng. Đồng thời việc xóa nợ thuế có thể tạo ra những tiền lệ xấu.