Tưởng nhiệt miệng hóa ung thư
Nhiều tháng liền miệng có vết loét như bị nhiệt, người đàn ông ở Hà Nội đến bệnh viện khám mới biết bị ung thư khoang miệng.
Thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, Hà Nội, bệnh nhân 60 tuổi nhập viện vào cuối tháng 2 trong tình trạng khối u ở má trái to 3-4 cm. Bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư khoang miệng giai đoạn 2.
Bệnh nhân cho biết đã hút thuốc lá mấy chục năm nay. Vài tháng trước trong miệng ông xuất hiện vết loét nhỏ không đau, nghĩ là bị nhiệt nên không điều trị cho đến khi vết loét rộng hơn.
Bác sĩ đã mổ lấy u, vét hạch xung quanh má và cắt tuyến dưới hàm, đồng thời lấy da đùi bệnh nhân để ghép cho vùng má đã bị cắt.
Sau 6 ngày phẫu thuật, hiện sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, có thể ăn uống, nói chuyện bình thường, mảng da ghép sống tốt. Dự kiến bệnh nhân sẽ được phẫu thuật tái tạo viền môi.
Thống kê của các Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, 75% trường hợp ung thư khoang miệng có liên quan đến hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá bị động (hít phải khói thuốc), tiếp theo là sử dụng quá nhiều rượu bia. Đây là loại ung thư nam giới mắc nhiều hơn nữ; tuổi càng cao nguy cơ càng lớn.
So với nhiều loại ung thư khác, ung thư khoang miệng dễ chẩn đoán và điều trị rất tốt ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn sau phẫu thuật. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị kém hiệu quả. Ở giai đoạn muộn, tổn thương trong miệng có thể lan rộng gây những cơn đau kéo dài, mất chức năng ăn uống, nói chuyện, bị biến dạng khuôn mặt do phẫu thuật cắt u, thậm chí tử vong.
Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018, ung thư khoang miệng tại Việt Nam xếp thứ 18 trong số các loại ung thư phổ biến với gần 1.900 ca mắc mới, tỷ lệ tử vong 50%.
Các bác sĩ cảnh báo người dân cần tự thường xuyên kiểm tra răng miệng. Khi bị loét miệng kéo dài không khỏi, xuất hiện màu lạ, u cục trong miệng, chảy máu trong khoang miệng, nổi hạch vùng cổ, khó nuốt, khó nói... cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra, chữa trị.