Tăng cường vai trò của phụ nữ tham gia hoạt động chính trị
Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng trưởng thành, phát triển cả về số lượng, chất lượng và khẳng định vai trò, vị trí của mình trong từng cương vị đang đảm nhiệm, trong đó có các nữ ĐBQH, tuy nhiên có một thực tế là trong cơ cấu ĐBQH thì tỷ lệ nữ luôn không đạt chỉ tiêu. Vậy làm sao tăng cường phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia hoạt động chính trị.
Trao đổi với ĐĐK, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, về lâu dài cần tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ.
Ông Bùi Sỹ Lợi.
PV: Thưa ông, chúng ta hay nói phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia hoạt động chính trị nhưng có một thực tế là qua mỗi lần bầu cử ĐBQH thì tỷ lệ nữ luôn không đạt mục tiêu đề ra. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội phải đảm bảo ít nhất số ĐBQH là nữ chiếm 35%, như thế thứ nhất sẽ đáp ứng được nhu cầu của bình đẳng giới, thứ hai thể hiện vai trò của phụ nữ trong xã hội khi họ chiếm hơn 50% dân số. Nếu phụ nữ tham gia với cơ cấu đủ mạnh, đủ số lượng sẽ giúp ích khi quyết định những chính sách liên quan đến phụ nữ sẽ tốt hơn và phát huy được vai trò tham gia chính trị của phụ nữ trong hoạt động chính trị, đặc biệt là các cơ quan dân cử.
Riêng chỉ tiêu về cơ cấu nữ, chúng ta đã đặt ra chỉ tiêu rồi nhưng qua các khóa bầu cử thì tỷ lệ nữ luôn không đạt mục tiêu. Vậy theo ông nguyên nhân là do đâu?
- Chủ trương của ta là đúng nhưng trong cách thức tổ chức, triển khai thực hiện chưa đúng với nguyên tắc và tinh thần đảm bảo yêu cầu của Nghị quyết. Thứ nhất khi lựa chọn đối tượng, lựa chọn người ứng cử làm ĐBQH là nữ thì lại lựa chọn người không đáp ứng yêu cầu, tức là chất lượng không đảm bảo. Thứ hai, trong chỉ đạo bầu cử cũng không làm rõ trách nhiệm phải đảm bảo tỷ lệ cơ cấu của nữ.
Nhưng quan trọng nhất, muốn lựa chọn nữ vào ĐBQH thì phải có bồi dưỡng, đào tạo, hỗ trợ, giúp đỡ để nâng cao năng lực cho người phụ nữ khi tham gia vào ứng cử ĐBQH, làm sao nâng cao chất lượng để người dân đi bầu họ cảm thấy nữ đại biểu này đủ tư cách làm ĐBQH, hoặc là đại biểu dân cử. Hai việc này chúng ta chỉ đạo làm không tốt cho nên không đạt được tỷ lệ là vì thế.
Nhưng thực tế có nhiều người phụ nữ giỏi nhưng lại không thể tham gia vào hoạt động chính trị, thưa ông?
- Đó là trong chỉ đạo bầu cử chúng ta không làm nổi bật lên được vai trò của họ, bên cạnh đó phụ nữ cũng có phần hay tự ti nên không thể hiện, làm bật lên được khả năng, năng lực của mình trong hoạt động chính trị. Cho nên người dân không thấy được khả năng của nữ đại biểu vì thế có khi họ không bầu. Cũng có điểm nữa là khi sắp xếp vào tổ bầu cử chúng ta lại để nữ quá nhiều, hoặc để quá chênh lệch về trình độ dẫn đến nhiều khi phụ nữ cũng bị rớt nhiều.
Vậy trong thời gian tới theo ông chúng ta cần có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này và giúp phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hoạt động chính trị, nhất là phụ nữ làm ĐBQH?
- Giải pháp quan trọng nhất là phải có đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ để làm sao khi giới thiệu nữ tham gia vào ĐBQH thì đại biểu đó phải hoàn toàn đủ các điều kiện, không chỉ về mặt tiêu chí, dân tộc, trình độ mà phải thể hiện được năng lực thực tiễn. Thứ hai, trong tổ chức lựa chọn, sắp xếp tổ bầu cử, tức là nhóm người tham gia bầu cử phải cân đối cơ cấu để họ thấy được vị trí của nữ. Thứ ba, trong chỉ đạo bầu cử phải cố gắng phấn đấu đáp ứng yêu cầu tỷ lệ nữ. Quan trọng hơn nữa là người tham gia phải thể hiện được năng lực trình độ để người dân thấy tin tưởng mà bỏ phiếu.
Nhưng thực tế thì trong các quy hoạch về công tác cán bộ, thường tỷ lệ nữ ít khi đảm bảo theo tỷ lệ, thưa ông?
- Trong thực tế hiện nay chúng ta nói là bình đẳng giới nhưng trong cơ cấu nữ có mấy vấn đề. Thứ nhất bản thân phụ nữ về hưu trước nam giới 5 năm là cái bất lợi, không bình đẳng về độ tuổi. Thứ hai, khi lựa chọn vào quy hoạch cũng không lựa chọn đúng, giới thiệu cũng chưa phải khách quan, đầy đủ, có chất lượng cho nên dẫn đến đưa ra bầu cũng không đạt được tỷ lệ như mong muốn.
Nếu như vậy phải chăng chúng ta cần tăng tuổi nghỉ hưu của nữ giới lên cũng là tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào hoạt động chính trị nhiều hơn?
- Đúng vậy, một trong những điều kiện để phụ nữ tham gia chính trị nhiều hơn là đảm bảo bình đẳng về tuổi nghỉ hưu đối với người quản lý và người có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Có như vậy họ mới có khả năng đóng góp nhiều hơn trong hoạt động sản xuất cũng như trong hoạt động chính trị.
Trân trọng cảm ơn ông!
* Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa. Cụ thể số nữ ĐBQH chiếm 21,77% ở khóa VII; 18% ở khóa VIII; 18,84% ở khóa IX; 26,2% ở khóa X; 27,31% ở khóa XI; 25,76% ở khoá XII; 24,4% ở khóa XIII; và 26,72% ở khóa XIV (thiếu 17 người so với dự kiến).