Ma túy - nỗi ám ảnh tội ác - Bài cuối: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Để phòng chống ma túy hiệu quả, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, gốc rễ của vấn đề phòng, chống ma túy là phải giảm trên cả ba tiêu chí: Giảm cung, giảm cầu và giảm hại. Trong đó, cốt lõi là ngăn chặn sự gia tăng, từng bước làm giảm người nghiện, nhất là tình trạng người nghiện đang trẻ hóa.
Ma túy, nỗi ám ảnh tội ác - Bài 1: Nóng bỏng tội phạm ma túy
Ma túy, nỗi ám ảnh tội ác - Bài 2: Nan giải cai nghiện
Sửa đổi thể chế cho phù hợp
Hiện nay tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta ngày càng gia tăng. Đáng lưu ý, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát. Ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới, trong đó có những chất mà ngay lần đầu tiên sử dụng đã có thể dẫn đến hoang tưởng, ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi, có thể tự sát, giết người.
Kết quả điều tra xã hội gần đây nhất của Tổng cục Thống kê tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là khoảng 0,66% dân số trong độ tuổi điều tra (từ 15 tuổi đến 64 tuổi); 8% sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi. Người nghiện có ở tất cả các địa phương, ở mọi thành phần, lứa tuổi song chủ yếu là lớp trẻ; khoảng 50% người nghiện có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đáng lo ngại, nghiện ma túy là tác nhân chủ yếu làm thanh niên vi phạm pháp luật.
Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy khoảng 50% và gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy trong các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ là 41,04%, tỷ lệ phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy là 28,25%.
Trước diễn biến phức tạp của nạn lạm dụng và buôn bán ma túy bất hợp pháp, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách có liên quan đến phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Tuy nhiên hiện nay các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và các luật có liên quan về phòng chống loại tội phạm này đã bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này trong thực tiễn.
Chính vì vậy theo các chuyên gia, việc nghiên cứu tìm ra các biện pháp hiệu quả để đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy, trong đó có việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện về mặt thể chế cũng như cơ chế áp dụng pháp luật và giải pháp tổ chức thi hành pháp luật trên thực tế trong lĩnh vực này là cần thiết và cấp bách. Do đó, để giải quyết vấn đề, cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma tuý.
Đảm bảo nguồn lực cho công tác cai nghiện
Tại hội thảo đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy mới đây, ý kiến từ các bộ, ngành và địa phương cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống ma tuý là hết sức cấp thiết bởi sự gia tăng số người nghiện và tội phạm ma túy như hiện nay có nhiều nguyên nhân.
Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là sự thiếu quan tâm, giáo dục của gia đình để con cái bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo vào con đường nghiện hút. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại của ma túy cũng như kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy còn nhiều hạn chế. Việc lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc gặp khó khăn do cơ sở cai nghiện hiện đang quá tải…
Đáng chú ý, một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định của một số luật được Quốc hội thông qua sau thời điểm Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực, như Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ví dụ, việc tổ chức cai nghiện bắt buộc đối với người đã cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà tái nghiện và với nghiện chưa thành niên, không có nơi cư trú nhất định thì không được thực hiện trên thực tế do vênh giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật Phòng, chống ma túy.
Đề xuất về giải pháp, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm(CSĐTTP) về ma túy cho rằng, số người nghiện ma túy gia tăng theo từng năm và có nhiều diễn biến phức tạp, tỷ lệ tái nghiện rất cao với trên 90%, trong khi tỷ lệ cai thành công rất thấp chỉ đạt khoảng 5%.
Người nghiện ma túy hiện nay đa dạng về thành phần, có cả công chức, viên chức, học sinh, sinh viên với tỷ lệ ngày càng trẻ hóa. Do đó để phòng, chống ma túy hiệu quả, gốc rễ của vấn đề phòng, chống ma túy là phải giảm trên cả ba tiêu chí là giảm cung, giảm cầu và giảm hại. Cốt lõi là ngăn chặn sự gia tăng, từng bước làm giảm người nghiện, nhất là tình trạng người nghiện đang trẻ hóa.
Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, cần đẩy mạnh truyền thông với phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà”, việc tuyên truyền phải đúng đối tượng, không làm hình thức bằng nhiều biện pháp, tập trung ở các địa bàn trọng điểm.
Cùng với đó, phải xác định rõ quan điểm, chủ động hơn trong việc huy động và bố trí nguồn lực phòng, chống ma túy. Trong đó, đảm bảo nguồn lực ngân sách nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa khác, đặc biệt nghiên cứu xây dựng đề án để đảm bảo nguồn lực trong công tác phòng, chống, cai nghiện ma túy.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (CSĐTTP) về ma túy, Tổng cục Cảnh sát, trong thời gian tới, Cục CSĐTTP về ma túy sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án tổng thể kiểm soát ma túy qua biên giới, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát ma túy thẩm lậu qua biên giới; sửa đổi, bổ sung Quyết định số 133/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển, tăng cường phối hợp quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy và làm tốt công tác lập hồ sơ cai nghiện. H. Đức |