Ráo riết quản lý an toàn thực phẩm
Để chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 sẽ được tổ chức trên phạm vi cả nước từ ngày 15/4 đến ngày 15/5, với trọng tâm là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt thực phẩm kém chất lượng.
Thời gian gần đây, các vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của người dân. Theo thống kê từ năm 2007 đến năm 2018, thành phố Hà Nội dã ghi nhận 43 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số mắc 1.187 người. Trong đó, ngộ độc thực phẩm tại gia đình là 11 vụ, chiếm 30,6%, tại bữa cỗ là 13 vụ, chiếm 36,1% với nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Thực tế cho thấy, nguy cơ ngộ độc tại các bữa cỗ, bữa ăn tập trung đông người, trong trường học, khu công nghiệp là rất lớn. Khó khăn lớn nhất là chưa kiểm soát được nguồn gốc của thực phẩm, đặc biệt là tại các khu chợ đầu mối. Sở NNPTTT Hà Nội xác nhận, hiện nay trên địa bàn thành phố có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai) và 4 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối (chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ cá Yên Sở, chợ đêm Văn Quán). Tuy nhiên, lượng nông sản, thực phẩm tiêu thụ tại các chợ này đều bị thương lái chi phối về giá cả và nguồn cung, gây khó khăn cho việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Khảo sát cho thấy, hiện nay hơn 70% người tiêu dùng vẫn mua thực phẩm từ các chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm, số người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị chiếm chưa đến 30%.
Nhằm ráo riết siết an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 04/KH-ATTP về kiểm soát thực phẩm tại bữa ăn tập trung đông người trên địa bàn thành phố. Mục tiêu đặt ra: 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có thanh tra về ATTP; 100% thông tin phản ánh về mất ATTP rõ địa chỉ trên địa bàn được kiểm tra đột xuất xác minh, xử lý thông tin; 100% vụ ngộ độc thực phẩm báo cáo được điều tra, xử lý kịp thời...
Trước đó, ngay từ đầu năm 2019, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác kiểm tra ATTP, kiểm tra khoảng 11.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó xử lý vi phạm 1.624 cơ sở với số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 6 cơ sở bị đóng cửa, 14 cơ sở bị đình chỉ lưu hành sản phẩm và 73 cơ sở bị tiêu huỷ sản phẩm…
Cho đến nay, sau một năm thành phố Hà Nội thí điểm xây dựng 8 tuyến phố ATTP có kiểm soát tại 8 quận, huyện trên địa bàn, ghi nhận cho thấy mô hình này đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ATTP và giảm thiểu ngộ độc, các bệnh truyền nhiễm qua ATTP. Năm 2019, Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục nhân rộng thêm 6 tuyến phố. Như vậy, trong năm nay Hà Nội sẽ thực hiện kiểm soát 14 tuyến phố ATTP.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là việc khó kiểm soát cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, theo mùa vụ chiếm số lượng lớn; cơ sở thức ăn đường phố. Trong khi đó, lực lượng cán bộ làm công tác ATTP còn mỏng, nhiều địa phương chưa coi trọng quản lý ATTP, chính quyền sở tại chưa chủ động kiểm tra, giám sát, tạo áp lực lên đơn vị quản lý cấp trên.