Tập đoàn Huawei kiện Chính phủ Mỹ
Tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc Huawei hôm 7/3 đã tuyên bố đâm đơn kiện Chính phủ Mỹ, trong một động thái cứng rắn nhất từ trước đến nay nhằm chống lại các cáo buộc cho rằng công nghệ của họ tạo ra mối đe dọa an ninh toàn cầu.
Huawei chính thức đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ trong hôm 7/3. (Nguồn: AFP).
Hành động pháp lý
Huawei, nhà sản xuất trang thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, hôm thứ Năm vừa qua nói rằng họ đã đâm đơn kiện lên tòa án ở bang Texas Mỹ, thách thức một bộ luật của Mỹ đưa ra mới đây nhằm cấm các cơ quan liên bang mua các sản phẩm của Tập đoàn này.
“Lệnh cấm này không chỉ trái pháp luật mà còn ngăn chặn Huawei khỏi hoạt động cạnh tranh công bằng, cuối cùng gây tổn hại cho chính người tiêu dùng Mỹ” - Phó Chủ tịch Huawei Guo Ping nói.
Công ty nói trên của Trung Quốc, hiện đang là nhà sản xuất smartphone hàng đầu nước này, yêu cầu một tòa án liên bang Mỹ đảo ngược lại một phần của Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) - đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua vào tháng 8 năm ngoái. Huawei cho rằng một phần của Đạo luật này - trong đó đặc biệt cấm các cơ quan chính phủ sử dụng công nghệ của Huawei và các đối thủ của họ ở Trung Quốc như ZTE - đã vi phạm Hiến pháp Mỹ vì trừng phạt cá nhân hoặc tổ chức mà không qua xét xử.
“Quốc hội Mỹ đã liên tục thất bại trong việc đưa ra bằng chứng cho cáo buộc của họ” - ông Guo nói - “Chúng tôi buộc phải đưa ra hành động pháp lý này như một giải pháp cuối cùng”.
Hiện giới chức Chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận nào liên quan tới vụ kiện này.
Không lùi bước
Việc Huawei kiện Chính phủ Mỹ ra tòa án bang Texas đã đẩy tình hình căng thẳng lên một tầm cao mới. Huawei là một trong số những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc và là một bên quan trọng trong quá trình phủ sóng mạng không dây 5G trên thế giới. Các mẫu smartphone mà họ sản xuất cũng đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của Apple hay Samsung.
Nhưng trong nhiều năm qua, chính quyền Washington nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ của Huawei để theo dõi các quốc gia khác, tuy nhiên không đưa ra được bằng chứng. Huawei, trong khi đó, khẳng định rằng họ là một công ty của người lao động và bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng sản phẩm của họ gây ra mối đe dọa an ninh.
Đơn kiện của Huawei được chuyển tới tòa án bang Texas - nơi mà Công ty này đặt trụ sở trên lãnh thổ Mỹ - điều này có thể sẽ khiến Chính phủ Mỹ tăng cường chiến dịch gây sức ép với Tập đoàn này.
Chính quyền Trump từ lâu đã thúc giục các nước đồng minh cấm hoặc hạn chế mua các sản phẩm của Huawei sử dụng cho mạng 5G, chỉ ra các mối quan ngại về do thám, nhưng không đưa ra được chứng cứ rõ ràng. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng của Huawei, và cũng ảnh hưởng tới các nhà mạng không dây trên đất Mỹ.
“Huawei đang cho thấy rằng họ sẽ không lùi bước trong cuộc đấu tranh này” - Paul Triolo, chuyên gia về các vấn đề công nghệ thuộc Hãng phân tích Eurasia Group, nói - “Dù hành động này không giúp Huawei lấy lại được quyền tiếp cận thị trường Mỹ, nhưng nó mang tính biểu tượng, có thể gây ảnh hưởng đến nhiều bên khác cũng đang bị vướng vào tình cảnh như họ”.
Chính phủ ở một số quốc gia như Đức và Anh hiện cũng đang cân nhắc về các lệnh cấm hoặc hạn chế đối với trang thiết bị của Huawei. Australia trước đó đã ra lệnh cấm Công ty Huawei cung cấp công nghệ để xây dựng mạng không dây 5G ở quốc gia này hồi năm ngoái.
Vụ kiện của Huawei nhằm vào Chính phủ Mỹ cũng có một số điểm tương đồng với một vụ kiện năm 2018 liên quan đến một công ty an ninh mạng của Nga. Tháng 9/2017, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã yêu cầu các cơ quan chính phủ ngừng sử dụng phầm mềm diệt virus Kaspersky kèm cáo buộc nó có thể bị Nga sử dụng làm công cụ do thám. Lệnh cấm này sau đó được phê chuẩn thành luật.
Kaspersky đã đệ hai đơn kiện chống lại Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, cả hai vụ kiện đã bị thẩm phán bác bỏ hồi tháng 5. Đơn kháng cáo của họ tiếp tục bị bác bỏ vào tháng 8.