Sinh vật lạ tàn phá đồng ngao
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hàng chục hộ nuôi ngao giống ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) như ngồi trên lửa bởi nạn sinh vật lạ phá hoại đồng nuôi ngao của bà con. Người dân thì lo lắng trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được biện pháp giúp giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi ngao.
Sinh vật lạ tàn phá cánh đồng ngao ở Kim Sơn (Ninh Bình ).
Hàng chục héc ta ngao bị hư hại
Nhiều người dân đang nuôi thả ngao tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn cho biết: Loài sinh vật này có hình dáng vừa giống như con đỉa, vừa giống như con sâu róm, có chiều dài từ 3 đến 7 cm. Trước kia cũng đã từng xuất hiện nhỏ lẻ một vài lần, gây thiệt hại không đáng kể, rồi sau đó tự biến mất. Tuy nhiên, từ đợt Tết Nguyên đán đến nay, sinh vật lạ này đã tái xuất hiện với số lượng đông đúc và gây hại cho đàn ngao giống trên diện rộng.
Gặp chúng tôi khi đang giăng lưới thủ công, bắt những sinh vật lạ, mình đầy gai, anh Đoàn Văn Được, xóm 10, Kim Tân lo lắng cho biết: Nhiều năm nay, gia đình anh khoanh nuôi 7 ha ngao, trong đó có 3,5 ha nuôi ngao giống, đến thời điểm này đã bị thiệt hại khoảng 80% trên tổng diện tích mà không có biện pháp tối ưu để phòng chống hiệu quả. Tính đến đầu tháng 3/2019, loài sinh vật lạ đã khiến anh thiệt hại mất khoảng 700 - 800 triệu đồng. “Đàn nhuyễn thể quá nhiều, người dân chúng tôi cũng đã dùng đủ mọi cách để bắt, ngăn chặn nhưng không thể nào diệt hết được. Sinh vật này có gai hai bên mình, khi ăn ngao bụng chúng phình lên như con sâu bù nẹt ăn lá cây. Đàn sinh vật lạ kéo ở đâu đến rồi ký sinh ở các bãi nuôi, chúng ăn không chỉ ngao giống mà ăn cả ngao thịt. Nguy hiểm hơn, khi tiếp xúc, va chạm phải con sinh vật này thì bị ngứa và mưng mủ rất lâu khỏi nên rất nguy hiểm cho bà con. Hiện tại loài sinh vật hiếm gặp đang phát triển rất nhanh nên gia đình tôi không dám thả ngao nữa”- anh Được hoang mang nói.
Cùng chung tâm trạng với anh Được, anh Vũ Văn Thành, xóm 9, xã Cồn Thoi buồn bã tâm sự: Gia đình anh có 2 ha thả ngao giống. Những ngày nghỉ trước Tết đã thấy xuất hiện “quái vật” ăn ngao trên bãi nhưng với số lượng ít, mọi người cho là chuyện bình thường. Ăn Tết xong, vợ chồng anh ra thăm bãi nuôi thì bất ngờ thấy lượng ngao bị sinh vật lạ ăn gần hết khiến gia đình anh bị thiệt hại trên 200 triệu đồng. “Thời điểm sinh vật lạ xuất hiện nhiều nhất khi thời tiết giao mùa, khí hậu ấm từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch. Chúng ăn trọn con ngao giống to tầm đầu đũa, tuổi ngao được xác định giữa ngao tấm và ngao cúc. Ngao cứ thả xuống đến đâu là bị sinh vật lạ ăn sạch đến đấy. Giờ hết vốn để sản xuất, coi như trắng tay!”- anh Thành than thở.
Tìm hiểu thêm thì chúng tôi được biết: Vùng biển Kim Sơn có nghề nuôi ngao từ nhiều năm nay với diện tích lên tới 1.200 ha; trong đó, có 30 ha nuôi ngao giống. Trong năm 2018, huyện xuất ra thị trường khoảng 28.000 tấn ngao thịt. Bình quân giá ngao khoảng 12 - 15.000 đồng/kg. Nghề nuôi ngao góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, trước nạn sinh vật lạ tàn phá bãi ngao, hiện chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn loay hoay chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ ngao giống cho bà con.
Chưa tìm được biện pháp khắc chế
Sau hơn 2 tháng xảy ra nạn sinh vật lạ tàn phá đồng ngao, đến nay các ngành chức năng của Ninh Bình vẫn chưa thể thống kê cụ thể tổng số diện tích đồng ngao bị thiệt hại. Hiện tại, người dân Kim Sơn đang rất mong muốn ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân, có biện pháp ngăn chặn, khắc phục tình trạng trên để người dân yên tâm sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nêu trên, ông Đặng Thanh Tân- chuyên viên Phòng NNPTNT huyện Kim Sơn cho biết: Theo thống kê thì có khoảng 60 - 70% diện tích thả ngao giống bị ảnh hưởng bởi nạn sinh vật lạ tàn phá, trong đó khoảng 50% diện tích bị mất trắng. Lượng ngao bị thiệt hại chủ yếu là ngao giống ở giai đoạn ngao tấm và ngao cúc. “Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc ngao giống sinh vật lạ tấn công, Phòng đã phối hợp với Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản đi kiểm tra, sau đó có văn bản nhắc nhở người dân không nên thả giống trong thời gian này, chờ kết luận nguyên nhân từ cơ quan chức năng”- ông Tân nói.
Sinh vật lạ tàn phá đồng ngao ở Kim Sơn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Trần Anh Khiêm- Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Kim Sơn cho biết: Từ vài năm nay người dân Kim Sơn phát triển thêm nghề nuôi ngao giống với diện tích khoảng 30 ha thuộc khu vực ngoài đê Bình Minh 3, từ Ngánh Đứt đến Ngánh Kim. Vụ ngao giống năm nay, chưa kịp vui mừng vì diện tích ương ngao tăng lên thì người dân lại đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn do loài nhuyễn thể lạ sinh sôi, phát triển với mật độ từ 20 đến 30 con/m2 và đến ăn hại ngao của bà con. Theo thống kê sơ bộ, hiện đã có 30 ha ngao giống của 10 hộ nuôi trồng bị thiệt hại. Trước tình trạng trên, UBND huyện Kim Sơn đã chỉ đạo Phòng NNPTNT huyện phối hợp với Chi cục Thú y và Chi cục Thủy sản kiểm tra ngoài thực địa, báo cáo lên cơ quan chuyên môn và gửi mẫu tới Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I để xác định giống, loài sinh vật lạ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả trả lời.
Trước mắt, để động viên bà con tiếp tục bám đồng ngao, UBND huyện Kim Sơn chỉ đạo Phòng NNPTNT phối hợp với Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản, tuyên truyền để người dân tạm hoãn thả giống, chờ kết quả của cơ quan cấp trên xử lý dịch hại. Đối với các vùng ngao bị thiệt hại ở mức độ 50%, bà con nên cải tạo lại bãi ngao, nếu mật độ thưa thì thả thêm và quản lý bãi ngao chặt chẽ hơn. “Biện pháp duy nhất để xử lý nạn sinh vật lạ đang hoành hành, hiện nay chúng tôi khuyến cáo người dân sử dụng lưới chắn, xử lý kỹ càng trước khi thả ngao xuống vùng ương, tuyệt đối không sử dụng các chất cấm, chất độc hại làm ảnh hưởng đến môi trường vùng bãi!”- ông Khiêm cho biết thêm.