Tỉ lệ sinh viên có việc làm: Cần thống kê thực chất
Theo quy định của Bộ GDĐT, từ mùa tuyển sinh năm 2018, các trường đại học (ĐH) phải công bố công khai tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau ra trường của các năm trước- nhằm làm căn cứ quan trọng cho chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.
Đây không phải là yêu cầu mới, song tính thực chất của tỉ lệ này đến đâu, làm sao để những con số thống kê không phải là hình thức… hiện đang là băn khoăn của người học trước thềm mùa tuyển sinh 2019.
Học sinh tìm hiểu thông tin trong ngày hội tư vấn tuyển sinh 2019.
Những con số có chuẩn?
Ở mùa tuyển sinh 2019, Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, CĐ các ngành đào tạo giáo viên; trình độ ĐH, Thạc sĩ, Tiến sĩ do Bộ GDĐT vừa công bố có nhiều điểm mới.
Một trong những quy định sẽ áp dụng từ kỳ tuyển sinh năm 2019 với các trường ĐH, học viện; trường CĐ, trung cấp được phép đào tạo ngành sư phạm là phải công khai và chịu trách nhiệm giải trình về bốn nội dung: Chỉ tiêu tuyển sinh; các tiêu chí xác định chỉ tiêu; chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội. Đây là yêu cầu bắt buộc. Cùng với đó, việc siết chặt điều kiện tuyển sinh áp dụng từ năm 2019 cũng nêu rõ, trong đó các ngành đào tạo mới được mở trong năm tuyển sinh thì chỉ tiêu không được vượt quá 30% năng lực đào tạo của ngành.
Trước đó, trong mùa tuyển sinh 2018, nhiều trường ĐH cũng đã công bố tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng. Con số này có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm trường khác nhau. Đơn cử nhóm các trường ĐH vùng như: ĐH Tây Bắc, ĐH Hồng Đức, ĐH Điều dưỡng Nam Định… tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng thấp (khoảng từ trên 30% - 70%).
Trong khi tỉ lệ này ở nhóm các trường “top” đầu như ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Hà Nội, ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Y dược TP HCM… đều đạt từ 90-96%. Tuy nhiên, so với tổng số trường ĐH trên cả nước, trước thềm mùa tuyển sinh 2018, số trường công khai tỉ lệ này mới chỉ chiếm khoảng 1/4.
Khi ấy, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, liệu bao nhiêu phần trăm trong số đó là thống kê thực chất? Bởi từ cuối năm 2017 Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam (do Bộ LĐTBXH phối hợp Tổng cục Thống kê công bố) cho biết trong quý III-2017, số người thất nghiệp có trình độ ĐH trở lên là 237.000 người, tăng 53.900 người so với quý II-2017. Tỉ lệ thất nghiệp của nhóm này là 4,51%, so với quý trước là 3,63%... Vậy đâu là số liệu thật? Lẽ nào những số liệu thống kê từ các Bộ liên quan với các trường ĐH lại có sự “vênh” nhau?
Cần giám sát và kiểm chứng
Kết quả sinh viên có việc làm sau khi ra trường là tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo theo hướng gắn với thị trường lao động. Việc công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của các trường, nhưng Bộ GDĐT cũng phải có trách nhiệm kiểm chứng.
Nhiều băn khoăn được đưa ra, việc khảo sát việc làm của sinh viên sau ra trường được tiến hành ra sao? Liệu số mẫu khảo sát có đủ lớn, đủ bao quát số sinh viên đã tốt nghiệp không hay chỉ điều tra trên một lượng mẫu nhỏ rồi kết luận 100% tỉ lệ sinh viên có việc làm? Đó là còn chưa nói đến chuyện có việc làm ở đây là việc gì, có phải việc đúng chuyên ngành đào tạo không hay sinh viên học sư phạm ra nhưng làm công nhân may cũng được tính là có việc làm? Dư luận xã hội và phụ huynh có nhu cầu được biết những thông tin trung thực, chính xác do các trường ĐH cung cấp để hướng nghề nghiệp vào đời cho thanh niên, chứ họ không cần những con số đẹp.
Chị Trần Kim Phượng- một phụ huynh học sinh Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ, chị và các phụ huynh đang thắc mắc liệu những con số thống kê tỉ lệ việc làm của các trường đạt độ tin cậy đến đâu? Bởi trên thực tế không phải cho tới gần đây mà từ nhiều năm trước, Bộ GDĐT đã yêu cầu các trường phải công khai trên trang thông tin điện tử về tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp (Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân).
Nhưng rõ ràng trên thực tế nhiều trường đã không hề thực hiện nghiêm túc quy định này. GS Nguyễn Quý Thanh- Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội nhận định: Số liệu sinh viên có việc làm của các trường còn mang tính hình thức, chưa cụ thể theo từng ngành và có tình trạng các trường công bố số liệu sinh viên ra trường có việc làm cao hơn so với thực tế.
Siết kiểm định chất lượng
Còn GS.TS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, nếu không kiểm soát được việc thống kê tỉ lệ sinh viên có việc làm sau ra trường, quy định công khai sẽ không còn ý nghĩa. Bộ GDĐT cần có chế tài để kiểm soát, tạo sự công bằng cho các nhà trường, làm thước đo trung thực về chất lượng đào tạo để thí sinh, phụ huynh, đơn vị sử dụng lao động tham khảo.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT) cho hay, với Luật Giáo dục ĐH sửa đổi vừa được thông qua, thay đổi lớn nhất chính là chính sách mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH trong toàn hệ thống, tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình.
Cụ thể là: cơ sở GDĐH có trách nhiệm báo cáo, thông tin đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ các quy định của pháp luật và thực hiện đúng các quy định, cam kết của cơ sở GDĐH. Những thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, học phí, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đều phải công khai trên kênh thông tin chính thức của trường để người học xã hội tham khảo, giám sát.
Trong chu kỳ kiểm định theo quy định, nếu cơ sở giáo dục ĐH không thực hiện kiểm định chương trình hoặc kiểm định chương trình không đạt yêu cầu thì trường phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo cho người học đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Sau 2 năm, nếu không thực hiện kiểm định lại chương trình hoặc kiểm định lại nhưng không đạt thì cơ sở giáo dục ĐH phải dừng tuyển sinh đối với chương trình đào tạo đó, phải đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, người học.