Hỗn loạn cò đất
Việc tung tin chia tách huyện Hòa Vang của Đà Nẵng để thành lập quận mới, sáp nhập thị xã Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam với TP Đà Nẵng những ngày qua và việc làm giả văn bản phê duyệt dự án của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhằm đẩy giá đất lên cao; là các chiêu thức của giới trung gian bất động sản hoạt động theo kiểu “mánh mung” chụp giật mà người dân quen gọi là… cò!.
Cò đất tung tác, lộng hành gây nhiều hệ lụy đối với Đà Nẵng, và tiếc thay nó cũng là chuyện của không ít địa phương.
Ngày 7/3 vừa qua, ông Võ Ngọc Đồng- Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, ký văn bản bác bỏ thông tin Đà Nẵng thành lập quận Hiếu Đức trên cơ sở chia tách từ huyện Hòa Vang.
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cũng có văn bản gửi 11 xã và các cơ quan liên quan của huyện này; yêu cầu tuyên truyền để người dân cẩn trọng trong mua bán đất đai, tránh hậu quả đáng tiếc. Liền sau khi tung tin chia tách huyện Hòa Vang (Đà Nẵng); cò đất tung tin sáp nhập thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) với Đà Nẵng để “thổi” giá đất ở khu vực giáp ranh 2 địa phương. Ngày 9/3, UBND thị xã Điện Bàn có công văn chỉ đạo các xã, phường tăng cường quản lý đất đai, ngăn chặn mua bán chuyển nhượng đất không đúng quy định
Đáng chú ý, đầu tháng 11/2018 mạng xã hội xuất hiện văn bản do ông Huỳnh Đức Thơ- Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký, gửi sở - ngành, quận, huyện về việc phê duyệt công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng khẳng định, đây là văn bản giả mạo do cò đất tạo ra, tung lên mạng xã hội nhằm tạo cơn sốt đất ảo. Trước đó, vào đầu tháng 10/2018 rất nhiều người cũng đổ về xã miền núi Hòa Liên của huyện Hòa Vang mua bán đất nền, đất tái định cư do có thông tin lan truyền là TP sẽ di dời 2 nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc đi nơi khác!
Không ít người cho rằng Đà Nẵng là TP của cò đất. Nhận xét này không phải là không có cơ sở khi bất cứ chỗ nào của Đà Nẵng cũng gặp bảng hiệu, tờ rơi quảng cáo mua bán đất. Trong quán cà phê hay quán nhậu ở TP Đà Nẵng, đều nghe “đất chừ đang lên”, “lô ni, lô tê” hay cái chặc lưỡi tiếc nuối khi ai đó lỡ mất giao dịch trung gian kiếm chênh lệch nhiều tỷ đồng. Quy hoạch, phát triển hạ tầng nhanh chóng giúp Đà Nẵng có bộ mặt đô thị như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, sau hơn 22 năm trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương kể từ năm 1997, quy hoạch đô thị của Đà Nẵng cũng bộc lộ những mặt trái cần nhiều thời gian để khắc phục, giải quyết trong đó có việc quy hoạch các tuyến đường, khu dân cư theo hình thức “phân lô bán nền”.
Hàng chục ngàn lô đất (có chiều ngang mặt tiền từ 4 đến 5 m, sâu từ 16 đến 20 m), bị cò nhảy vào thao túng, trục lợi ngay khi chữ ký phê duyệt quy hoạch của lãnh đạo cơ quan thẩm quyền còn chưa ráo mực. “Lô ni”, “lô tê”, không đơn thuần là cụm từ cửa miệng trong mua bán mà thậm chí, còn là giá trị để thực hiện các đổi chác không minh bạch của một bộ phận lợi ích nhóm mà điển hình là hàng loạt diện tích đất vàng ở trung tâm TP, đất ven biển đến nay vẫn còn bị bỏ hoang dưới bàn tay thao túng của đại gia cò đất Vũ “nhôm”!
Mặt trái của phát triển nóng hạ tầng đô thị Đà Nẵng cũng vô hình trung biến lao động trong lĩnh vực nông - ngư nghiệp chưa có cơ hội chuyển đổi ngành nghề thành cò đất. Một số khu vực vốn là vùng ven như Hòa Hải, Hòa Quý của quận Ngũ Hành Sơn; Hòa Minh, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam của quận Liên Chiểu; Hòa Phước, Hòa Châu của huyện Hòa Vang- sau nhiều năm, đã trở thành “phố cò” với nhan nhản sàn giao dịch bất động sản cố định và di động (được lắp bánh xe để di chuyển).
Chưa có thống kê chính thức từ cơ quan chức năng nhưng có thể nói rằng, Đà Nẵng đang có ít nhất vài ngàn cò đất làm ăn theo kiểu mánh mung, chụp giật. Sau mỗi thương vụ thành công, cò đất bỏ túi tiền tỷ mà không phải đóng 1 đồng thuế nào cho Nhà nước nên việc các nhóm cò câu kết đưa ra thông tin sai lệch, làm giả cả văn bản phê duyệt dự án của Chủ tịch UBND TP tung lên mạng xã hội lừa bán đất.
Sau nhiều tháng, cơ quan chức năng của Đà Nẵng vẫn chưa tìm ra được thủ phạm làm giả văn bản giấy trắng mực đen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhằm lừa bán đất. Đằng sau sự hào nhoáng của các tuyến phố trung tâm, khu vực du lịch ven biển; TP Đà Nẵng vẫn còn góc khuất, đấy là những vùng quê với những nông dân sẵn sàng bán đất, sẵn sàng tham gia vào đội ngũ cò với giấc mơ, ảo ảnh “đổi đời”.
Câu chuyện trên rất điển hình ở Đà Nẵng, nhưng liệu còn những nơi nào nữa cũng rơi vào tình trạng này?