Nghệ thuật tượng sơn thếp

Phan Cẩm Thượng 12/03/2019 17:23

Phật giáo có mặt trên mảnh đất Việt Nam có lẽ hơn 2.000 năm qua. Những pho tượng Phật sớm nhất bằng gỗ sao tìm thấy trong nền văn hóa Phù Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long, có niên đại đầu và sau Công nguyên. Đó là những tượng Phật đứng được tạc nguyên từ một cây gỗ dưới dạng Phật đi hành hương, có thể là tượng trưng cho quá trình đi về Đông Nam Á của Phật giáo từ Ấn Độ.

Nghệ thuật tượng sơn thếp

Tượng Ngọc Nữ chùa Bút Tháp, thế kỷ 17, bị hư hỏng nặng.

Từ đó cho đến thế kỷ 11, người ta thấy được nhiều tượng Phật bằng đá, từ trong các di tích Đồng Dương của nền văn hóa Champa và từ các ngôi chùa thời Lý (1010 - 1225). Từ sau thế kỷ 15 trở đi, tượng Phật bằng đá nhường chỗ cho tượng Phật gỗ và đất phủ sơn có mặt hầu hết trong các ngôi chùa đồng bằng Bắc bộ. Tượng bằng đồng cũng có, nhưng không nhiều và không tiêu biểu. Những pho tượng Phật từ dòng Ấn Độ - Kh’mer có lẽ có một tiêu chuẩn thẩm mỹ khác hẳn với những tượng Phật chịu ảnh hưởng của tạo hình điêu khắc Phật giáo Trung Quốc. Những pho tượng thời Phù Nam hoặc rất cao, có thể đến "chín đầu" (chiều cao của pho tượng bằng 9 lần phần đầu của pho tượng đó), hoặc tương đối cân đối như người thật, với tỷ lệ "bảy đầu". Nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ thời đầu có liên quan mật thiết với tạo hình nghệ thuật Hy Lạp, nên tương đối cân đối và trọng vẻ đẹp thể chất mỹ mãn.

Từ đó, chảy về dòng dân gian, điêu khắc Phật giáo thay đổi khá nhiều, tính cân xứng không còn được giữ nguyên nữa, người ta yêu thích những pho tượng Phật hồn hậu, ít cân đối, thường rất thấp, đôi khi chỉ là 5, 6 đầu và khép mình trong một khối gỗ. Những pho tượng Phật mẫu chùa Dâu, có niên đại thế kỷ 17 -18, hoặc sớm hơn, nhưng chịu ảnh hưởng sâu sắc của dòng điêu khắc Ấn Độ - Kh’mer, lại kết hợp được những vẻ đẹp của điêu khắc Bắc bộ và điêu khắc phương Nam. Tượng Phật mẫu chùa Dâu Mây - Mưa - Sấm - Chớp có thân hình phụ nữ nõn nà khêu gợi, thân trần phía trên, phía dưới quấn sa rông, không ở đâu trong đồng bằng Bắc bộ giống thế. Các tượng Phật Bắc bộ mặc rất nhiều quần áo, có phần giống trang phục phong kiến đương thời.

Những người thợ dân gian Bắc bộ làm cho các ngôi chùa làng căn cứ vào cuốn Tạc tượng lượng độ kinh để làm tượng Phật. Cuốn sách này hiện có một bản lưu tại thư viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, vốn được in từ chùa Xiển Pháp, Hà Nội trong thế kỷ 19. Cuốn Kinh chỉ dẫn rất chi tiết cách tạo hình một pho tượng Phật đứng và ngồi ra sao, khi phân chia cơ thể con người làm 108 thốn. Thốn là một đốt ngón tay. Tuy nhiên sự chỉ dẫn sách vở quá chi tiết cũng không dễ được tiếp nhận cụ thể, các phường tạc tượng dân gian, lưu truyền ba công thức truyền miệng như sau: Tọa tứ lập thất, Nhất diện phân lưỡng kiên, Nhất diện phân tam trùng.

Tọa tứ lập thất là một tượng ngồi là bốn đầu, tượng đứng là bẩy đầu. Nhất diện phân lưỡng kiên là chiều ngang của mặt bằng nửa chiều ngang hai đỉnh vai. Nhất diện phân tam trùng là ba khoảng cách bằng nhau trên khuôn mặt (theo chiều dọc), từ chân tóc đến chân lông mày, bằng từ chân lông mày đến đỉnh mũi, bằng từ đỉnh mũi đến cằm. Sự phân chia này là khá hợp lý và tiếp cận với tỷ lệ Hy Lạp cổ điển. Tuy nhiên thì nếu làm theo đúng như vậy thì điêu khắc Việt Nam đã chả có phong cách gì, người thợ dân gian làm tượng theo cảm quan thực tế nhiều hơn, các pho tượng Phật thường có đầu hơi to, lưng hơi cúi, cổ thường ngắn hoặc chìm vào vai, nên trông qua có vẻ thiếu cân đối, nét mặt không chung chung vô tính như quy phạm, mà thường mang vẻ đẹp của khuôn mặt phụ nữ và có cá tính... Vì thế trông những pho tượng Phật Việt Nam khá sinh động, hồn hậu gần gũi với nhân thể người nông dân Đồng bằng Bắc bộ và mang vẻ đẹp nữ tính hóa.

Từ thế kỷ 16 trở đi, ít có đền chùa nào không sử dụng tượng đất và gỗ sơn son thếp vàng. Việc sơn thếp tượng cho phép người ta chuyển hẳn lối làm tượng hoàn chỉnh từ một chất liệu, như tượng đá, sang lối làm tượng lắp ghép nhiều phần, đục đẽo thô, đắp sửa bằng đất, rồi sơn thếp ra ngoài. Quá trình sơn thếp không khác lắm so với những họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương làm tranh sơn mài bằng sơn ta truyền thống. Kỹ thuật mài thực ra cũng được sử dụng trong quá trình làm tượng.

Thoạt tiên đẽo từng phần pho tượng gỗ, có thể phân chia các khối đầu, thân, chân và tay (trong tượng ngồi) rồi lắp ráp có mộng vào với nhau. Đây mới là những khối hình học cơ bản, chưa có đường nét chi tiết, sau đó hom bó bằng đất phù sa, mùn cưa trộn với sơn ta thành một cái cốt tượng, như là tấm vóc làm tranh sơn mài. Đến quá trình này người ta bắt đầu làm các chi tiết mặt mũi, áo quần, hoa văn bằng đất trộn sơn, như một pho tượng hoàn chỉnh, chưa sơn thếp, rồi sau đó tiến hành sơn cánh gián cầm, dán vàng bạc cẩn thận "đông đặc" sau đó (nhuộm phẩm mầu một số chi tiết, trên áo quần hoa văn...), mài nhẵn, rồi quang ra ngoài một lớp sơn bóng (được pha trộn giữa sơn ta và dầu chẩu).

Những tượng này khi làm xong cũng chưa đẹp ngay, do lớp sơn cánh gián nâu còn dầy, bề mặt tượng chưa trong, nhưng dần dần qua tháng năm càng ngày nước sơn càng thắm đượm, độ bóng căng và trầm sâu nhấn mạnh tính trầm tư mặc tưởng của một pho tượng Phật linh thiêng. Lớp vàng bạc lót phía dưới lớp sơn cánh gián làm cho mầu sắc bên trên thêm sáng nhưng trầm. Nghệ thuật này được gọi là tô tượng, xưa kia điêu khắc gọi là "điêu tô": "Điêu" là khắc xuống, đục đi, "tô" là đắp lên vẽ lên. "Tô" vẽ là khâu quan trong bậc nhất, pho tượng có đẹp hay không là nhờ khâu này, nên thường do các nghệ nhân cao tay thực hiện. Cầm là một kỹ thuật đặc biệt, mà hiện hầu hết các họa sĩ sơn mài không sử dụng và không biết đến. Nó có nghĩa là quét lớp sơn cánh dán có trộn với dầu chẩu theo tỷ lệ nhất định để giữ lớp sơn ấy khô trong thời gian bao nhiêu lâu để dán vàng, bạc. Ví dụ một pho tượng, một khám thờ có diện tích bề mặt lớn (còn do độ chênh lệch khối và phức tạp của chạm khắc) cần dán vàng bạc trong ba giờ, thì cần cầm trong thời gian đó. Cầm có nghĩa là giữ sự lâu khô của sơn trong thời gian nhất định. Kỹ thuật này đòi hỏi kinh nghiệm thời tiết, cảm nhận sự khô nhanh hay chậm mà pha tỷ lệ giữa cánh dán và dầu chẩu thế nào và chỉ có cầm lớp sơn mới mỏng đều và lá vàng bạc mới được duỗi rất thẳng và mịn trên bề mặt không đồng đều, khi mài lên thì độ bóng lên tối đa.

Khi khảo sát các pho tượng gỗ phủ sơn thế kỷ 16, chúng tôi thấy quá trình hom bó không quá được chú trọng, người ta đã đục đẽo pho tượng tương đối hoàn chỉnh, lớp sơn phủ bên ngoài không có tính tô vẽ như các tượng gỗ phối hợp với đất phủ sơn từ thế kỷ 17 trở đi. Những pho tượng thế kỷ 16, thường được sơn thếp trực tiếp với lớp lót trong cùng đơn giản, ví dụ như pho tượng Quan âm Nam Hải, chùa Hạ, Vĩnh Phú, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Những tượng chân dung quý tộc thế kỷ 17, trong nhiều đền chùa cũng được tạc khối gần như hoàn chỉnh, và sơn thếp có tính trực tiếp như vậy với rất nhiều mầu sắc sao cho giống y phục, trang sức người thật mang hàng ngày. Các chi tiết hoa văn, tràng hạt đều được đục chạm nổi trên bề mặt, chứ không phải đắp sửa bằng đất, tiêu biểu là chân dung các bà hoàng vợ vua Lê Thần Tông chùa Mật, sau này ảnh hưởng đến lối làm chân dung quý tộc chùa Bút Tháp. Thực ra, tượng chân dung của hai chùa này tương đồng về kỹ thuật và tạo hình đến mức có thể chỉ do một phường thợ thực hiện. Với những tượng chân dung, người ta cố gắng bám theo thực tế. Ví dụ chân dung Thiền sư Minh Hành và bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, chùa Bút Tháp, cả hai đều mặc áo mầu xanh. Mầu xanh này được lấy từ bột đá ngọc mài, nên hiện nay khi phục chế không thể làm lại chất mầu như vậy, nhất là sau khi hai pho tượng được tô thành sơn son trong đợt phục chế những năm 1990. Toàn bộ tượng các bà hoàng chùa Mật cũng bị tô son mới như vậy, trong khi bản cổ tô bằng rất nhiều mầu đá ngọc cho gần với phục trang nữ quý tộc xưa.

Đất và gỗ phủ sơn từ thế kỷ 17 là chất liệu được sử dụng phổ biến, cốt bằng gỗ, chi tiết bề mặt sửa bằng đất. Vàng và son là chất liệu chính trong quá trình tô tượng Phật. Phần lớn các pho tượng cổ được thếp lớp vàng khá dày, đôi khi là ba bốn lớp, mỗi lớp dày từ 1-2mm. Thành thử có nhiều pho tượng lớp sơn dày tới nửa phân. Lượng vàng qua nhiều lần sơn thếp của ba bốn trăm năm, mỗi pho tượng có lẽ đến vài kg. Thực ra đây là kết quả của nhiều lần tô tượng, người ta không cạo lớp sơn cũ, mà cứ chồng lên lớp sơn mới với lượt thếp vàng mới, càng sơn thếp nhiều lớp tượng càng có vẻ đẹp mỹ mãn, và trầm sâu khó tả. Sau một thời gian dài nhiều lớp sơn bay dần, tùy từng tháng năm lộ ra lúc thì là lớp vàng son rực rỡ, lúc là lớp cánh dán nâu trong sâu, lúc lại lộ những lớp sơn then lót đen bóng trong vô cùng, khiến cho người ta không biết thực chất pho tượng đã được sơn thếp như thế nào. Gần đây, khi nghiên cứu sự sơn thếp, họa sỹ Đào Ngọc Hân và tôi thấy rằng thoạt tiên người ta sơn phủ tới 18 lớp. Với 18 lớp vàng thếp bên trong pho tượng, về sau các lớp sơn cánh dán (giống như lớp keo dán) bay đi, những lớp vàng đó gắn lại với nhau thành một nền khá dầy. Nếu là những ngôi chùa do vua chúa đầu tư, thì mỗi lần tu sửa, người ta nhất thiết sơn 9 lớp nữa. Vấn đề này, thấy trong Đại Nam nhất thống chí, để chuẩn bị cho đám tang vua Gia Long, theo chỉ thị của vua Minh Mệnh, mọi đồ nghi trượng bằng gỗ sơn thếp đều phải sơn lại 9 lần. Khi tham gia trùng tu tượng vài nơi, nhiều tượng bị sơn mới lên với chất lượng không tốt, người thợ chỉ mài lớp sơn mới đi, thì pho tượng đã trở nên rất đẹp rồi, không nhất thiết phải làm gì thêm nữa, do quá trình sơn cổ rất tốt và bền. Điều này cho thấy, trước khi trùng tu tượng, nên nghiên cứu kỹ, nhất là trong khi chúng ta không bao giờ đủ năng lực làm như người xưa.

Việt Nam không thiếu gỗ và đất có thể làm được điêu khắc, tuy nhiên tùy từng nơi và tùy từng loại tượng mà người ta làm tượng đất hoàn toàn, hay làm tượng đất và gỗ phối hợp (cốt gỗ, bọc đất phủ sơn). Nhiều Phật động với hàng trăm tượng nhỏ làm hoàn toàn bằng đất, nhiều tượng cỡ lớn như tượng Kim cương, Hộ pháp thích hợp với chất liệu đất hơn là gỗ. Với tượng nhỏ người ta có thể đắp đất đặc, nhưng với tượng lớn thì chỉ đắp đất ở vỏ tượng còn bên trong hoàn toàn rỗng. Để làm như vậy, thoạt tiên phải đan một cái cốt tượng bằng tre, nhồi rơm vào đó, đắp đất sét trộn sơn, mật và vôi, rơm băm nhỏ, hoặc trộn giấy bản vào vôi đất, đắp ra ngoài cốt tre lấy hình thù ban đầu. Vỏ tượng khô đi co lại bóp chặt vào cốt tre cho đến khi không co lại nữa, người ta mới rút rơm ra khỏi lõi tượng và đắp sửa bên ngoài cho ra hình thù. Quy trình còn lại thì giống như sơn thếp cho một pho tượng gỗ thôi. Trên thực tế rất nhiều pho tượng Hộ pháp lớn được lên hoàn toàn bằng tay từ từ, không làm cốt trước. Nhiều tượng cần râu tóc, mắt thì người ta làm rời bằng tóc người và con mắt thủy tinh mua từ bên Trung Quốc, gọi là nhỡn Tàu. Con ngươi của mắt có thể đung đưa nên người ta đục hai lỗ nhỏ thông nhau gần mắt, chỉ cần chút gió lay là con ngươi hơi chuyển động, nom như mắt người thật.

Tượng bát bộ Kim cương chùa Mía, hộ pháp chùa Thầy (Hà Nội) đều là điển hình của nghệ thuật tượng đất đắp thế kỷ 18, 19. Tượng đất hút sơn ta tương đối nhiều nên cần làm nền bề mặt tượng thật kỹ và sơn những lớp sơn dày, dán nhiều lớp bạc lót chống thấm, tuy nhiên so với tượng gỗ phủ sơn, nó chóng phai màu và tróc màu nhanh hơn. Khuôn mặt của các tượng đất Kim cương và Hộ pháp, người ta thường dùng bột ngà voi để tạo độ trắng và ấm, kỹ thuật này khá tốn kém, nên không phải nơi nào cũng thực hiện được. Bột ngà chủ yếu sẽ được trộn với lòng trắng trứng gà làm chất kết dính và đắp thành mặt tượng, sau đó được mài nhẵn vừa phải có tính chất tạo khối mặt, nhưng không quá bóng.

Để làm một pho tượng có kích thước tương đương với người thật, giá thành thời phong kiến, tương đương với 40 thúng thóc. Sự sơn thếp khá đắt đỏ, nên cần có đóng góp tài trợ của nhiều thí chủ. Khi tô tượng và đúc chuông cần một lượng vàng lớn, nên số lượng vàng thường không được tính vào giá thành mà là phần riêng cho thí chủ tài trợ. Người ta trực tiếp tháo nhẫn thả vào nồi đồng đang nấu, hay mua nhiều quỳ vàng đưa cho thợ thếp lên tượng trước mặt mình. Những lá vàng dát tượng ngày xưa không quá mỏng và tiết kiệm như vàng quỳ ngày nay, nên thực chất lượng vàng thếp trên tượng cổ khá lớn. "Khai quang yểm nhỡn" và "yểm tâm" tượng là nghi lễ quan trọng để pho tượng trở thành thần thờ cúng, được làm trong lễ "hô thần nhập tượng". Ngày "khai quang" phải là ngày lành tháng tốt, con mắt mới được vẽ và mắt thủy tinh mới được lắp, sau đó các lỗ yểm tâm được đặt các hạt quý vào, bao gồm một hạt thóc, một hạt vừng, một hạt đỗ, một hạt vàng, một hạt bạc, một hạt kim cương, một hạt mã não, một hạt hổ phách... gói trong một túi lụa vàng. Tuy nhiên, cũng tùy theo kinh tế mà "yểm tâm", không nhất thiết đầy đủ như trên, chủ yếu là ngũ cốc và hạt quý. Lỗ yểm tâm đặt sau lưng tượng có thể là giữa lưng, có thể là giữa lòng, tùy theo, sau khi hô thần nhập tượng, pho tượng mới chính thức được coi là thần thiêng để thờ cúng.

Khi sửa chữa, di chuyển, thường có lễ đưa gói yểm tâm ra và nhập vào sau khi yên vị mới. Ở Nhật Bản, mỗi pho tượng còn có ngọc tượng, dưới hình thức thờ rời, khi dịch chuyển tượng đi đâu đó người ta phải làm lễ rước ngọc tượng đi đầu. Đôi khi người ta còn thiết kế bài vị, văn cúng cho tượng, trong đó kê khai chức vụ, lý lịch của thần tượng trong ngôi đền, chùa nào đó. Dựng chùa đặt tượng cũng luôn được kể lại trong văn bia. Mỗi pho tượng thờ luôn gắn với một sự tích, một truyền thuyết và một vị trí nhất định trong kiến trúc tôn giáo, đó là linh hồn của ngôi chùa ngôi đến – vị thần sẽ kết nối thế giới tâm linh với con người, đưa con người đến cõi cực lạc, cũng như thường nhật là đấng cứu nhân độ thế.

Phan Cẩm Thượng