Trục liên thông văn bản quốc gia: Giải pháp tối ưu cho nhiều bài toán
Trục liên thông văn bản quốc gia là một trong những bước đi đầu tiên hướng tới nền tảng tích hợp, chia sẻ, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, giúp cho việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP.
Chiều nay (12/3), lễ khai trương Trục Liên thông văn bản quốc gia sẽ được tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ dự và phát biểu tại sự kiện quan trọng này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã có những trao đổi với báo chí về quá trình xây dựng Trục Liên thông văn bản quốc gia.
Môi trường điện tử thông suốt từ Trung ương tới địa phương
Trong các cuộc họp đôn đốc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm từng nhấn mạnh, Trục liên thông văn bản quốc gia là bước chuẩn bị mạnh mẽ cho xây dựng Chính phủ điện tử và đây là nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng vào VPCP. Bộ trưởng có thể cho biết về sự vào cuộc của VPCP và các đơn vị liên quan để triển khai nhiệm vụ này?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử tiến tới thay văn bản giấy. VPCP đã ban hành Quyết định số 676/QĐ-VPCP ngày 27/7/2018 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia.
Tại kế hoạch này, VPCP đã đề ra lộ trình phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao. Như về thể chế, để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý về gửi, nhận văn bản điện tử, VPCP đã trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để sớm ban hành các thông tư về trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư và bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử; lựa chọn các đơn vị bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành đáp ứng yêu cẩu của Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai thử nghiệm kết nối, liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia.
Để thúc đẩy tiến độ triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, VPCP đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai kết nối phần mềm quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia.
Đến nay, đã có 95/95 các cơ quan, bộ, ngành, địa phương (Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) hoàn thành kết nối với VPCP. Các phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước.
Nhờ sự triển khai quyết liệt của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, nhiều nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng đã được hoàn thành, như hoàn thiện quy chế gửi, nhận văn bản điện tử, nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành.
Từ cuối năm 2018 đến nay, VPCP đã liên tục có các cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai nhiệm vụ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của các đơn vị để kết nối vào Trục liên thông văn bản quốc gia?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Sau khi triển khai các đoàn công tác học tập kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử của các nước trên thế giới như Estonia, Pháp, Hàn Quốc, Nga, tổ chức các Hội thảo với các chuyên gia trong nước, quốc tế…, VPCP đã phối hợp với Tập đoàn VNPT tổ chức các đoàn khảo sát tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội… lấy Phiếu khảo sát hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại các bộ, ngành, địa phương, từ đó nghiên cứu, xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Từ đó đến nay, VPCP và các đơn vị liên quan đã triển khai bài bản, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm kết nối các phần mềm quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông này trước khi triển khai chính thức.
Để thúc đẩy tiến độ triển khai, VPCP đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về việc chuyển đổi sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử, tổ chức họp triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia với các bộ, ngành còn chưa đáp ứng tiến độ, tập huấn gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Quá trình đôn đốc cho thấy, các Bộ, ngành, địa phương đều đưa ra cam kết mạnh mẽ về bảo đảm cho việc khai trương đúng hạn, nâng cấp hệ thống để tương thích với Trục liên thông văn bản quốc gia.
Hiện nay, các phần mềm này đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước. Trong vòng 1 tháng đầu năm 2019 có 8.315 văn bản gửi và 19.296 văn bản nhận điện tử.
Việc bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia cũng đã được VPCP phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an thường xuyên giám sát, đánh giá. Trong quá trình triển khai, một số bộ, địa phương đã tích cực tham gia thử nghiệm và hoàn thành giải pháp kỹ thuật từ rất sớm như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, các tỉnh Nghệ An, Cao Bằng…
Loại bỏ tình trạng “ngâm hồ sơ”
Bộ trưởng, Chủ nhiệm có thể cho biết hiệu quả đem lại của Trục liên thông văn bản quốc gia trong kết nối chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước, kết nối giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ là nền tảng cho vấn đề kết nối, chia sẻ, là một trong bước đi của quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số.
Với ý nghĩa này, Trục liên thông văn bản quốc gia là giải pháp tiết kiệm, hiệu quả tối ưu để giải quyết thực trạng “trăm hoa đua nở” về phần mềm quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương vốn được rất nhiều nhà cung cấp triển khai trên các loại nền tảng kỹ thuật, công nghệ khác nhau.
Không chỉ tiết kiệm chi phí hành chính, giảm thời gian xử lý văn bản và tiến tới loại bỏ tình trạng “ngâm hồ sơ”, kết quả kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa cơ quan nhà nước các cấp còn giúp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc trên hệ thống, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Việc làm này chính là thay đổi cách làm truyền thống bằng việc cải cách để người dân không cần đến cơ quan hành chính nhà nước, không cần gặp trực tiếp cán bộ khi cần giải quyết TTHC, từ đó giảm thời gian và chi phí khác mà doanh nghiệp, người dân phải bỏ ra.
Ý nghĩa của Trục liên thông văn bản quốc gia không chỉ dừng lại ở đó. Việc triển khai thành công kết nối, liên thông văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến các cấp địa phương sẽ là cơ sở, nền tảng để triển khai kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp, các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, hình thành Chính phủ điện tử kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Việc phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ triển khai thực hiện trong Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020 định hướng đến 2025 vừa mới được Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành vào ngày 7/3/2019.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm!