Siêu dự án chống ngập ngàn tỷ tại TP Hồ Chí Minh: Bài học lớn từ sự đình trệ kéo dài

Lê Anh 13/03/2019 06:00

Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM (giai đoạn 1) có tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng, do Trung Nam Group làm chủ đầu tư, bị Kiểm toán Nhà nước cho đình lại mọi hoạt động tới gần 10 tháng, trước khi được UBND tái cấp vốn để khởi động lại. Các chuyên gia đánh giá sự việc cùng các thiệt hại do đình trệ là bài học rất lớn của đô thị TP HCM.

Siêu dự án chống ngập ngàn tỷ tại TP Hồ Chí Minh: Bài học lớn từ sự đình trệ kéo dài

Một phần công trường siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP HCM nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồng Phúc.

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, “siêu” dự án ngàn tỷ này từng bị Kiểm toán Nhà nước “sờ gáy” vào giữa năm 2018. Nguyên do bởi chủ đầu tư báo cáo đội vốn hơn 400 tỷ đồng, dẫn đến tự thay đổi vật liệu của một số hạng mục dự án. Trung Nam Group là chủ đầu tư dự án, đã tính toán sai khối lượng, áp dụng sai đơn giá, rồi lại vận dụng máy thi công và nhân công ca ba làm tăng tổng mức đầu tư với số tiền hơn 402 tỷ đồng. Quá trình điều chỉnh thay đổi biện pháp cho hầm vượt sông Sài Gòn, điều chỉnh trụ pin và bản đáy khi thiết kế bản vẽ thi công cũng dẫn đến những sai số với kế hoạch được duyệt ban đầu…

Về vấn đề nêu trên, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng, vấn đề sai sót hoặc sử dụng vật tư tương đương có thể thực hiện khi hợp đồng có xác lập điều khoản này. Do đó, các thiếu sót, bất hợp lý khi bị kiểm toán thì trách nhiệm trước hết là chủ đầu tư phải tự giác khắc phục. Thế nhưng chuyên gia này cho rằng, vấn đề mấu chốt, nằm ở quy trình giải quyết kể từ khi Kiểm toán Nhà nước có thông báo kết quả kiểm toán gửi UBND TP HCM đối với hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư ở dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM.

Quy trình này kéo dài gần 10 tháng, thiệt hại là rất lớn cho các bên và cho chính người dân. Kỹ sư Trần Văn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Phát tính toán các thiệt hại có thể lên đến nhiều tỷ đồng sau thời gian ngưng trệ, chưa kể một số hạ tầng có thể đã bị ảnh hưởng hoặc xuống cấp do ngập nước vào mùa mưa. Bằng chứng rõ nhất là phía Trung Nam cũng đã phải tạm ứng ra 1.518 tỷ đồng để tiếp tục dự án, mà có thời điểm chuyên gia đặt vấn đề phải làm rõ nguồn vốn tạm ứng cho nhà đầu tư dự án lấy ở đâu ra? Theo quy định pháp luật khi đối với các hợp đồng BT thì chắc chắn loại trừ khả năng ứng tiền từ ngân sách. Theo Kỹ sư Trần Văn Phương, hiện cũng không có bất cứ một quy định pháp luật nào cho phép nhà đầu tư theo hình thức BT được ứng tiền ngân sách.

Chính vì vậy, việc tái khởi động lại dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng là một tín hiệu mang đến kỳ vọng, nhưng cũng đặt thách thức với chính chủ đầu tư dự án. Theo Kỹ sư Trần Văn Phương, dự án đình trệ gần 10 tháng đặt ra các vấn đề về thiết bị, máy móc, độ hao mòn vật liệu,….nhưng những cái này đang thiếu sự giám sát trực tiếp kể từ sau thông báo của Kiểm toán Nhà nước. Nếu như vậy, khả năng dự án hoàn thành vào cuối 2019 hoặc quý I/2020 có đảm bảo chất lượng công trình như cam kết?

Lê Anh